THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:52

Báo chí Việt Nam những ngày đầu đổi mới

Trong lịch sử 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam, từ năm 1986 đến nay là thời kỳ đổi mới mạnh mẽ nhất. Bầu không khí đổi mới báo chí bắt nguồn từ đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng quyết định.

Nghị quyết Đại hội VI khẳng định: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng, của nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi, biện pháp thích hợp. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đến thời đổi mới, mở cửa, rồi hội nhập, báo chí Việt Nam đã bám sát rất sát những bước tiến của đất nước. Theo thời gian và vận hội mới, báo chí nước ta ngày càng hiện đại hơn, nội dung và hình thức chuyên nghiệp hơn, đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 25 - 12 - 2014, cả nước có 845 cơ quan báo chí in, với 1.111 ấn phẩm báo chí. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 18.000 hội viên nhà báo hiện nay.

Đường cao tốc Lắng - Hòa Lạc.

Có được như hôm nay, chúng ta không thể quên những ngày đầu giới báo chí Việt Nam tìm kiếm con đường đổi mới trong bộn bề lo toan: Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ những người làm báo, hơn hết là xác định đúng đắn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của báo chí đối với xã hội.

Đổi mới nhấn mạnh mục tiêu kiên định là đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày đó các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam, nhiều tờ báo của các đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đoàn thể quần chúng đã có nhiều bài viết về chủ nghĩa xã hội những năm đầu đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Các bài viết đã phân tích và chỉ rõ những khả năng và nhân tố thuận lợi mới: các chủ trương chính sách đổi mới về kinh tế là phù hợp với ta, thực hiện đồng bộ, kiên quyết sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ trong cuộc sống; tiềm năng vật chất và trí tuệ của con người Việt Nam, của các thành phần kinh tế còn nhiều, là lực lượng dự trữ cho phát triển kinh tế cần được khai thác tốt; điều kiện vật chất của nền kinh tế trong tương lai sẽ được tăng thêm; giao lưu và hợp tác kinh tế quốc tế giữa nước ta và các nước trên thế giới sẽ ngày càng được mở rộng. Đồng thời cũng nêu những khó khăn gay gắt ta cần khắc phục: kinh tế phát triển còn chậm, hiệu quả còn thấp, phân phối lưu thông vẫn rối ren, ngân sách nhà nước thiếu hụt, lạm phát còn ở mức cao, giá cả biến động, cơ sở vật chất xuống cấp… và chỉ rõ: Xét trên phạm vi toàn xã hội, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn nặng. Từ thực tế của đất nước, báo chí cả nước đã nêu các kiến nghị xác đáng: cần điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế đã đề ra (lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu), khai thác mọi nguồn vốn đầu tư và đổi mới cơ chế đầu tư; thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển mạnh các đơn vị kinh tế sang hạch toán kinh tế theo quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hoá gồm nhiều thành phần; tích cực kiềm chế và đẩy lùi lạm phát; phát huy vai trò động lực của khoa học kỹ thuật gắn với yêu cầu phát triển kinh tế hàng hoá; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về chính sách xã hội phù hợp với việc đổi mới các chính sách kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; xây dựng và phát huy dân chủ, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.

Những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát  trong những khu đô thị mới của thủ đô Hà Nội.

Lãnh đạo nhiều cơ quan ngôn luận đã chủ trương trong thông tin, tuyên truyền về đổi mới cần chọn khâu đột phá. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng công nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân, nhiều tờ báo đã chọn lưu thông, phân phối làm khâu đột phá. Lưu thông, phân phối tuy là khâu sau của sản xuất, nhưng trong tình hình nền kinh tế nước ta lúc đó đang chứa đựng nhiều vấn đề cần tháo gỡ vì nó liên quan chặt chẽ đến phát triển sản xuất, đến tổng thể cơ chế quản lý nền kinh tế. Giải quyết được các vướng mắc trong lưu thông, phân phối sẽ có tác dụng mở lối cho sản xuất, tạo đà chuyển biến mạnh mẽ cho các bước phát triển của nền kinh tế. Trên thực tế, lưu thông, phân phối được xã hội bàn luận sôi nổi, ở nhiều địa phương vẫn dùng phổ biến biện pháp ngăn sông, cấm chợ, hàng hoá nơi thiếu, nơi thừa…Các bài viết về tháo gỡ những vướng mắc trong lưu thông, phân phối đăng trên báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng..., gồm đủ các thể loại: Ngôn luận, phóng sự, điều tra, phản ánh, tiểu phẩm, ảnh báo chí…được bạn đọc chú ý, góp tiếng nói cho các cơ quan chức năng thay đổi quan niệm, cách quản lý, chỉ đạo công tác lưu thông, phân phối.

Khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Công ty cổ phần Đầu tư Khoáng sản Than - Đông Bắc thuộc Tổng Cty 319.

Quốc hội khoá VIII được bầu ra, trong phiên họp thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 22 / 6 / 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu một bài thể hiện các quan điểm đổi mới Đại hội VI của Đảng đã quyết định, trong đó toát lên tinh thần dân chủ thực sự: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhạy bén trước chủ trương của Đảng, kế thừa truyền thống gắn bó với dân, vì nhân dân phục vụ của mình, báo chí cả nước bước vào công cuộc phát hiện thông tin người dân cần biết một cách sâu rộng, từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện lớn, nhỏ, những phát ngôn đáng chú ý của các nhà lãnh đạo trong, ngoài nước, đến những sự việc hấp dẫn diễn ra hàng ngày người dân nên biết. Chức năng căn bản của báo chí: Cung cấp thông tin, kiến thức, bình luận, phản biện chính sách xã hội ngày càng được thể hiện rõ trên các trang báo, chương trình phát thanh, truyền hình của nước ta. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Từ đó, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cũng như toàn xã hội nhận thức đúng đắn hơn vị trí, vai trò của báo chí là tấm gương phản ánh tình hình mọi mặt của đời sống xã hội, nhà báo là thư ký của thời đại. Báo chí được coi là một ngành khoa học, được đối xử khoa học, người làm báo được đào tạo cơ bản, có kiến thức rộng và độc lập viết ra được các tác phẩm báo chí xứng đáng.

Vận chuyển hàng hóa trên Cảng Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Kiên trì quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”,  nhiều tổng biên tập, giám đốc các đài phát thanh, truyền hình đã không hề e ngại va chạm, kiên quyết đưa thông tin đúng đắn đến với bạn đọc, người nghe, người xem, bảo vệ đội ngũ phóng viên, biên tập viên chân chính của mình.

Quan niệm thông tin, tuyên truyền về đổi mới của lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng những ngày đầu đổi mới cũng rất rõ: xây dựng cái tốt đi đôi với phê phán cái xấu. Lãnh đạo nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình chỉ đạo đội ngũ phóng viên: Tích cực phát hiện nhân tố mới, viết thật đúng, thật hay về những nhân tố mới, đồng thời khuyến khích phát hiện các vụ tiêu cực, tham nhũng, viết chính xác các vụ việc, có sức thuyết phục với các cơ quan chức năng, vụ việc được giải quyết thoả đáng, viết chống tham nhũng, tiêu cực vẫn phải đạt yêu cầu giữ được và tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào sự tất thắng của công cuộc đổi mới.

Nghệ nhân làng nghề gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Công cuộc đổi mới báo chí bắt đầu từ năm 1986 thì một năm sau, năm 1987, hàng loạt bài phê phán tiêu cực tham nhũng được đăng tải trên nhiều tờ báo, phạm vi mở rộng trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, đối tượng phê phán từ cán bộ cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước đến người dân. Lãnh đạo cấp bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy có việc làm sai trái đều bị phê phán. Điển hình là các vụ của Chủ tịch trọng tài nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa... đăng trên báo Quân đội nhân dân, các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 25 / 5 / 1988, Báo Nhân Dân đăng bài “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L, bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bài báo có đoạn: “Thực hiện đổi mới thì việc chống tiêu cực đã thành một nhiệm vụ quan trọng dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc”. Lãnh đạo các tờ báo lúc đó đều nhận thức ý nghĩa và mục đích của chống tiêu cực, tham nhũng viết như thế là rất rõ nên coi đây là chỉ thị của Đảng, chỉ đạo đội ngũ phóng viên tích cực làm tốt lĩnh vực này, không băn khăn, e dè.

Mùa vàng.

Những năm 1987- 1989, mỗi buổi sáng giở các tờ báo vừa xuất bản, bạn đọc trong cả nước lại sôi nổi tìm đọc bài chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.  Nhiều bài viết nêu các vụ việc rõ ràng, chân thực, phân tích những vấn đề rất cơ bản: tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn, nguyên nhân, đối tượng gây ra, tác hại của nó, trách nhiệm thuộc về ai, cách phòng trừ. Quan điểm cơ bản của các tờ báo rất rõ ràng: Chống tiêu cực, tham nhũng không có vùng cấm, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng tham gia, chống triệt để, hạn chế đến mức tối thiểu tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”.

Người dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới công tác báo chí, bắt đầu từ năm 1986, đội ngũ những người làm báo đã thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa tờ báo đến gần hơn với người dân, làm cho dân tin, dân mến, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Báo chí nước ta đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Báo chí cũng đã góp phần tích cực làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thành tựu đổi mới của nước ta. Báo chí cách mạng nước ta cũng đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên và giành được những thành tựu to lớn.

Trong suốt chặng đường lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận cấu thành của mọi biến cố, mọi sự kiện trong tiến trình vận động của cách mạng. Lớp lớp đội ngũ nhà báo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định vững vàng trong những biến động của lịch sử; có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí đã có những đóng góp vào việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, truyền bá văn hóa, nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. 

Gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, báo chí cách mạng đã đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi đánh giá cao những thành tựu to lớn báo chí nước ta đạt được trong những năm đầu đổi mới, chúng ta cũng nhận ra những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong giai đoạn đó. Lúc bắt đầu công cuộc đổi mới, trong các tờ báo và tạp chí nước ta vắng bóng những bài viết mang tính lý luận về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có tờ báo né tránh, hoặc ít đề cập đến thông tin, giáo dục truyền thống đấu tranh anh hung, bất khuất của dân tộc, Đảng, Nhà nước, quân và dân ta. Có tờ báo khi viết chống tiêu cực, tham nhũng đã đi quá đà, thông tin không chính xác, một số tờ báo đăng bài viết có tính giật gân, câu khách, có biểu hiện xu hướng thương mại hóa ở một số tờ báo, một số người làm báo không giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình... Những hạn chế, khuyết điểm đó đã được chỉ ra, nhiều tờ báo đã dần dần khắc phục để tiếp tục đưa tờ báo đi vào con đường làm báo chân chính.

Hoạt động của báo chí hiện nay diễn ra trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Thực hiện chính xác và có hiệu quả cao các chức năng: Thông tin, tuyên truyền, bình luận, cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản biện xã hội, báo chí nước ta sẽ đồng hành cùng đất nước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh và tốt đẹp hơn.

Lê Liên - Ảnh: Vũ Quang Thái

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh