THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:35

Báo chí lan toả hình ảnh xứ Huế

CLB Báo chí thường trú Huế trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế)

CLB Báo chí thường trú Huế trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế)

Những nhà báo nặng tình với Huế

Là người con của mảnh đất Kinh thành Huế, nhà báo Hồ Ngọc Minh (Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) luôn tâm niệm, phải nỗ lực hết mình trong từng câu chữ, bức hình trong mỗi bài viết của mình về những sự kiện, hoạt động diễn ra trên quê hương. Với anh, nếu không lăn lộn, không chảy mồ hôi sôi nước mắt với nghề, không tỉ mẩn, trau chuốt thì thật khó để truyền tải những thông điệp, vấn đề mà anh muốn gửi gắm trong các bài viết. Từ các chương trình, lễ hội lớn của Huế đến những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội…ở đâu cũng thấy bóng dáng một nhà báo giản dị, vai mang ba lô, cưỡi chiếc xe số đi tác nghiệp bất kể nắng mưa. Trong trận lũ lớn tháng 10/2020, khi mực nước trên sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, làng Xuân Tuỳ (xã Quảng Phú, Quảng Điền) một trong những vùng thấp trũng nhất nhì Thừa Thiên - Huế bị nước lũ bao vây kéo dài. Nhận tin báo, anh cùng 2 đồng nghiệp thuê đò, vượt dòng lũ dữ để vào tâm lũ. Chuyến đi năm ấy đầy sự bất trắc, nhưng với quyết tâm cao, đội ngũ nhà báo trong đó có Hồ Ngọc Minh đã đến được khu vực trung tâm làng để ghi lại những thước phim, bức ảnh về nỗi cơ cực, sự vật lộn cùng dòng nước bạc của người dân nơi đây.

“Hơn 10 năm đảm nhận phóng viên thường trú của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tôi luôn tuyên tuyền kịp thời các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương. Đặc biệt, chú trọng đến các hoạt động quảng bá, tuyên truyền các chương trình lớn của tỉnh, với những mảng đề tài như: Huế - kinh đô áo dài Việt Nam và xây dựng thương hiệu “Huế - kinh đô ẩm thực Việt”; du lịch, văn hóa Huế; các gương sáng phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cũng như trong phát triển kinh tế”, anh Minh tâm sự.

Nhà báo Hồ Ngọc Minh (phóng viên thường trú báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tại Huế) trong chuyến trao quà cho người nghèo

Nhà báo Hồ Ngọc Minh (phóng viên thường trú báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tại Huế) trong chuyến trao quà cho người nghèo

Sinh ra ở xã ven biển Hải Dương (TP. Huế), Võ Ngọc Thạnh (Vnexpress) là nhà báo trẻ và khá năng động ở làng báo Cố đô. Vốn yêu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc, anh không ngừng sáng tạo những bài viết, phóng sự ảnh, video đẹp về Huế. Những công trình kiến trúc gắn liền với sự nổi tiếng của mảnh đất Cố đô, như: Quần thể di tích cố đô Huế, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, hay không gian hai bên bờ sông Hương, núi Bạch Mã, những ngọn thác đẹp… qua lăng kính của Thạnh đã bay cao, bay xa đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Bên cạnh tuyến tin bài tuyên truyền, cổ vũ, động viên, đội ngũ phóng viên, nhà báo tại Cố đô Huế còn thường xuyên dấn thân vào các mảng đề tài nóng, phản ánh vấn đề gai góc của xã hội, như: Nạn khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng, ô nhiễm môi trường, xây dựng, đất đai, dịch bệnh… đấu tranh quyết liệt với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí. Những phóng sự, bài phản ánh của báo chí đã giúp chính quyền các cấp, cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Ngoài ra, với việc đứng chân trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, đội ngũ làm báo tại Huế không ngại nguy hiểm, có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, phản ánh kịp thời. Nhiều nhà báo đôi khi quên cả bản thân, tích cực bám địa bàn để ghi nhận, phản ánh đúng thực tế. Một trong những sự mất mát lớn nhất của làng báo Huế thời hiện đại chính là sự hy sinh của nhà báo - liệt sĩ Phạm Văn Hướng, khi tham gia đoàn công tác cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3. Sự hy sinh của anh đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những nhà báo có trách nhiệm năng nổ đi đến vùng sâu, vùng xa để phản ánh, tìm đề tài mới, vào những vùng tâm bão, rốn lũ, vùng sạt lở để tác nghiệp. 

Không chỉ linh hoạt, nhanh nhạy trong tác nghiệp, nhiều nhà báo tại Huế còn có các hoạt động xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, gắn kết người cầm bút với những phận đời khó khăn, bất hạnh. Vũ Văn Thắng (báo Sài Gòn giải phóng) là nhà báo như thế. Suốt những năm qua, anh đã trực tiếp gắn kết, kêu gọi sự trợ giúp từ các mạnh thường quân để hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân đau ốm phải điều trị tại bệnh viện, những người gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày. Hay như quán cơm 5 nghìn đồng do phóng viên báo Đại biểu nhân dân tổ chức cũng đã giúp nhiều sinh viên, lao động nghèo có được bữa ăn tươm tất, đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, Câu lạc bộ (CLB) Báo chí thường trú Huế với thành viên là phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đứng chân trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Dưới sự dẫn dắt của nhà báo “lão làng” Bùi Ngọc Long (báo Thanh niên), CLB trở thành “mái nhà chung” cho các thành viên sinh hoạt, hỗ trợ nhau trong cả công việc và cuộc sống. Từ sự giúp đỡ chí tình của CLB, nhiều thành viên đã có những bài viết hay, sinh động, phản ánh đúng thực tiễn đời sống, giúp lan toả hình ảnh Thừa Thiên - Huế đến với công chúng. Thành viên CLB cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. 

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của Huế

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế từng nói: “Báo chí luôn cần thông tin, mà thông tin báo chí chính là sự kiện. Sự kiện ấy bao gồm sự kiện khách quan và sự kiện chủ quan”. Trong quá trình công tác, ông Thọ luôn cố gắng tạo sự kiện, cảm hứng cho báo chí, cầu thị, tôn trọng dư luận xã hội; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để báo chí tác nghiệp. Với phương châm “Báo chí luôn cần có thông tin. Mà thông tin báo chí thì như thức ăn, phải tươi, thơm ngon, phải rõ, không để ôi, thiu và lạc hậu”, chính quyền tỉnh đã có những cải cách hành chính về công tác chính quyền với báo chí, có nhiều kênh để kết nối, thông tin nhanh cho báo chí, mà điển hình nhất là “Mạng lưới phát ngôn” do tỉnh xây dựng và điều hành.

Phóng viên báo Lao động và Xã hội trao quà cho học sinh nghèo vượt khó

Phóng viên báo Lao động và Xã hội trao quà cho học sinh nghèo vượt khó

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, báo chí đã bám sát thực tiễn, phản ánh chân thực, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm tình hình của tỉnh; có nhiều tuyến tin, bài, hình ảnh, phóng sự kịp thời, chất lượng, bám sát dòng chủ lưu thời sự, định hướng tốt, tạo được dư luận xã hội tích cực. Báo chí luôn đồng hành, gắn bó với Đảng bộ, chính quyền, quân, dân toàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; đặc biệt đã tích cực tham gia nhiệm vụ "kép" vừa phòng chống dịch Covid-19, phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Báo chí luôn quan tâm, tuyên truyền, cổ vũ, hiến kế việc tổ chức thực hiện các đề án quan trọng chuẩn bị cho lộ trình đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều hoạt động, phong trào lớn, như: Festival Huế, Chủ nhật Xanh, Thành phố 4 mùa hoa, Xanh - Sạch - Sáng... các chương trình, dự án trọng điểm (dự án di dời, tái định cư dân Thượng Thành; dự án nâng cấp sân bay Phú Bài, dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn...) với định hướng rõ ràng, minh bạch đã được báo chí quan tâm phản ánh, cổ vũ, động viên, tích cực tạo sự đồng tình hưởng ứng, đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội”, ông Bình khẳng định.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh