THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:37

Báo chí góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi khuôn mẫu giới

Các ngài đại sứ, các chuyên gia quốc tế tham dự tọa đàm.

Các ngài đại sứ, các chuyên gia quốc tế tham dự tọa đàm.

Sự kiện do Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, phối hợp với nhóm G4 gồm đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, Niu Di-lân, Thụy Sĩ và chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức. Tọa đàm  là không gian để các nhà báo cùng chuyên gia về giới và báo chí tại Việt Nam và quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm về giới và báo chí.

Phát biểu chào mừng tại tọa đàm, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia. Để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, không thể không kể tới vai trò của báo chí. Trong đó, các nhà báo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, làm thay đổi các định kiến giới, thúc đẩy sự thay đổi của nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

Tuy nhiên theo ông Patrick Haverman, khi tác nghiệp các vấn đề về giới, các nhà báo cũng cần thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trong đó, ưu tiên sự an toàn, quyền riêng tư của đối tượng được đề cập, đặc biệt tránh đổ lỗi cho nạn nhân. Từ ngữ, hình ảnh các nhà báo sử dụng có thể định hình quá trình tiến bộ bình đẳng giới và ngược lại. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng cần được định hướng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giới.

Tại tọa đàm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hide Solbakken nhấn mạnh, bình đẳng giới là quyền con người và đã được nêu trong các chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Bà đề cập tới những quyền năng của báo chí, trong đó có định hình góc nhìn của độc giả trong các vấn đề, trong đó có bình đẳng giới.

Đại sứ Na Uy chỉ ra, khi đề cập tới vẻ ngoài của nữ giới trên báo chí, những nội dung thường được chú ý đề cập nhiều là diện mạo và trang phục của nữ chính trị gia đó trong khi đây không phải là điều thường được đề cập trong bài báo về những chính trị gia nam giới.

“Việc mô tả quần áo và vẻ bề ngoài chính là khuôn mẫu giới mà chúng ta thường củng cố và nó sẽ dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới. Tất cả những khuôn mẫu giới này bắt nguồn từ tư tưởng trong xã hội về bất bình đẳng giới. Do đó, những kinh nghiệm, trải nghiệm của các nhà báo chia sẻ hôm nay trong đưa tin về bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức cũng như nhạy cảm giới sẽ góp phần để báo chí sử dụng sức mạnh của mình thúc đẩy bình đẳng giới”- Đại sứ Na Uy bày tỏ .

Bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết, mỗi năm Ban biên tập tin trong nước của TTXVN phát hơn 1.000 tin bài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tập trung vào các nội dung: Truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; Phản ánh sự vào cuộc của các cấp, ngành, xã hội trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; Các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới; Các hoạt động góp phần đấu tranh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.  Theo bà Thủy, để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới có hiệu quả, các cơ quan tổ chức, địa phương cần tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; được tiếp cận nhanh nhất nguồn tin chính thức, chính thống liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới.

Các đại biểu quốc tế, chuyên gia về giới và các nhà báo tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu quốc tế, chuyên gia về giới và các nhà báo tham dự Tọa đàm.

Theo nghiên cứu “Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo Báo chí Thuỵ Điển (FOJO) thực hiện năm 2018, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27% phóng viên nữ được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối tình dục.

Đại diện tờ báo giới của Hà Nội, bà Trần Hoàng Lan, Trưởng ban Gia đình-Chuyên đề, Pháp luật, báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, là tờ báo giới, báo Phụ nữ Thủ đô cũng đang chịu định kiến về giới của xã hội khi cho rằng, báo chỉ quan tâm tới các vấn đề như  “quan hệ mẹ chồng-nàng dâu”, “chuyện phòng the”, “tình cảm vợ chồng”...  Từ đó đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên. Bên cạnh đó, khi phóng viên đưa tin, viết bài về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, một số nạn nhân nữ đã từ chối, che giấu cho thủ phạm do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Trong khi đó, nhiều nam giới lại định kiến báo Phụ nữ chỉ phản ánh những vấn đề của chị em phụ nữ, không liên quan đến nam giới do đó việc tiếp cận thông tin, phỏng vấn nam giới cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy các bài viết trên báo chưa đạt được hiệu quả và phạm vi tuyên truyền tới nam giới trong khi đây là lực lượng quan trong trong thực hiện bình đẳng giới.

Đại diện báo Phụ nữ Thủ đô đưa ra một số kiến nghị như cần chống phân biệt đối xử đối với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới; cần có sự cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới; cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới và cần nâng cao nhận thức về giới cho các giới; đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tại sự kiện, Tiến sĩ Minelle Mahtani - Đại học Bristish Colombia, Canada nhấn mạnh: “Nhà báo là tiếng nói của những người không có tiếng nói". Do đó, nhà báo cần có kiến thức về giới, rất cẩn thận khi đưa tin bài về giới để thu hút sự chú ý của giới cũng như có cách tiếp cận để đảm bảo tính toàn vẹn, sự rộng lượng và độ cẩn trọng. Một bài báo khi nói về phụ nữ "phải nói về bản chất của người phụ nữ thay vì vẻ bề ngoài của người phụ nữ đó”, bà lưu ý.

Theo Tiến sĩ Minelle Mahtani, “nhạy cảm giới là vô cùng quan trọng khi đưa tin về giới”. Bà đồng thời nhấn mạnh: "Công việc của nhà báo là thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ, bởi tiếng nói của phụ nữ thường không được lắng nghe".

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Việt Nam Phạm Thị Mỵ khẳng định, hội thảo đã đem tới không gian cởi mở để các nhà báo và chuyên gia về giới và báo chí chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm về giới và báo chí, qua đó góp phần thúc đẩy bình bẳng giới ở Việt Nam. Bà Mỵ tin tưởng trong thời gian tới, CLB Nhà báo nữ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động bổ ích khác dành cho các nữ nhà báo để cùng tạo nên tiếng nói chung đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh