CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Báo chí "cân nhắc" khi đưa thông tin trẻ bị xâm hại

 

Tại hội thảo, phóng viên được các diễn giả trình bày những nội dung chính của Luật trẻ em 2016 cũng như những nguyên tắc khi sản xuất các sản phẩm truyền thông về trẻ em.

 

Tập huấn kiến thức phòng chống xâm hại cho trẻ em.

 

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Theo quy định, báo chí có nghĩa vụ phổ biến thông tin cho trẻ em, những thông tin có lợi về xã hội, đạo đức và văn hóa cho trẻ em và tôn trọng cơ sở văn hóa của các em. Nhà nước phải áp dụng các biện pháp khuyến khích xuất bản các tài liệu có giá trị đối với trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại. Tại Điều 46 Luật Trẻ em quy định phải bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em: Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp. Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời Điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng. Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Theo ông Nam, hiện nay các đài truyền hình chưa thực hiện nghiêm túc quy định thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng. Có chăng là chỉ xuất hiện dòng chữ rất nhanh: Trẻ em dưới 18 tuổi không nên xem nội dung này.

 

Trẻ em cần được trang bị những kỹ năng phòng chống xâm hại.

 

Để đảm bảo, mọi trẻ em được tiếp cận với các thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em, hiện nay Bộ TT&TT đang dự thảo Thông tư quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng và cảnh báo nội dung không phù hợp dành cho trẻ em trên phát thanh, truyền hình, ấn phẩm báo chí và xuất bản phẩm… khi đăng thông tin, báo chí không được nêu chi tiết bí mật đời sống riêng tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về sức khỏe, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em...

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, khi thông tin về những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan báo chí cũng không được phép sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình khi chưa có sự đồng ý của trẻ em trên 7 tuổi và cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay, một số báo chí “vô tư” đăng những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tại Mỹ, những vụ xâm hại trẻ em đều sử dụng quy ước chung, không được tiết lộ bí mật đời tư của gia đình các em. Còn tại Việt Nam, nhiều vụ việc trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục bị nêu đầy đủ địa chỉ nhà riêng, tên tuổi bố mẹ. “Luật Trẻ em quy định, cấm tiết lộ thông tin của trẻ em trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em, chỉ được đăng khi có sự đồng ý của trẻ em trên 7 tuổi và bố mẹ hoặc người giám hộ. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc những quy định này mới đảm bảo quyền bí mật đời tư của các em”, ông Nam nhấn mạnh.

Luật Trẻ em quy định tố cáo bắt buộc đối với xâm hại tình dục trẻ em. Bởi thời gian quan, nhiều vụ trẻ em bị xâm hại nhưng gia đình không tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, sợ sự dị nghị của xã hội. Đối với cơ quan báo chí, ông Nam cho rằng, khi báo chí có thông tin vụ xâm hại trẻ em nên cân nhắc đưa thông tin lên báo ở mức độ nào để không làm ảnh hưởng và tổn thương trẻ. Đồng thời, phóng viên phải ngay lập tức báo cáo thông tin đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý vụ việc.

Theo thông tin từ ông Nam, trẻ em Việt Nam nhìn chung thiếu tự tin và tự lập. Tuy nhiên, ở vùng miền khác nhau thì trẻ em có sự thiếu hụt khác nhau. Nếu như trẻ em thành thị rất tự tin nhưng thiếu tính tự lập, hàng ngày bố phải đưa đi học, mẹ nấu cơm cho ăn. Trong khi trẻ em nông thôn có thể tự lập tự nấu ăn, anh chị em chăm sóc nhau, phụ giúp việc nhà nhưng không tự tin bày tỏ ý kiến, mong muốn. Thậm chí, trẻ em nông thôn bị xâm hại không dám lên tiếng để người lớn biết.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh