THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:09

Bán vé số thì không được vào nhà vệ sinh?

 

Người nghèo thì luôn phải thiệt thòi - đó là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, thiệt thòi như ở An Giang, ghi hẳn ra bằng khẩu hiệu “Vé số không được vào nhà vệ sinh” có lẽ sẽ làm cho nhiều người giật mình vì tính hào hiệp, trượng nghĩa của người miền Tây đã không còn sót lại chút gì...

Sáng 20/1, quán cà phê Cổng Mặt Trời, nằm trên đường Nguyễn Thái Học - sát vách với Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang nhộn nhịp khách. Đây là quán lớn nhất nhì ở thành phố Long Xuyên, lại nằm ngay trung tâm hành chính của tỉnh nên lúc nào cũng đông khách.

Khách đông, người bán vé số cũng đông. Một người đàn ông gương mặt khắc khổ, ngoài 50 tuổi, hai chân bị liệt, cổ đeo một cái túi đựng vé số bò từ ngoài cổng vào quán.  Người đàn ông bò nhanh về phía cuối quán, nơi có nhà vệ sinh. Ông dừng lại, chuẩn bị tư thế để có thể leo lên bậc thềm của nhà vệ sinh. Nhưng sau đó, ông thoáng chút ngần ngừ, rồi quày quả bò nhanh ra đường.

Ngay trên vách tường là dòng chữ "Vé số không được vào nhà vệ sinh" được chủ quán “cẩn thận” khắc rõ nét trên bảng mica màu xanh, chữ trắng. Người bán vé số biết chữ. Vé số cũng có tự trọng của vé số. Cho dù những việc tự nhiên nhất của con người - đi vệ sinh - thuộc về bản năng, nhưng dòng chữ lạnh lùng trên tường đã khiến cho người đàn ông khốn khổ này không thể bò tiếp vào trong.

 

ban ve so thi khong duoc vao nha ve sinh? hinh anh 1

Tấm biển “Vé số không được vào nhà vệ sinh” trong quán cà phê. 

Khi người bán vé số bò ra, cái biển cấm vô cảm kia nằm ngay phía sau, trên lưng người đàn ông tội nghiệp. Như sợ những người bán vé số không thấy, cả hai bên vách tường, chủ quán đều cho gắn biển cảnh báo. Nhưng tôi không thể giơ máy ảnh chụp cái cảnh bất nhẫn ấy. Tôi vờ như không thấy. Tôi cảm thấy xấu hổ vì cái cách của nhóm người lành lặn ứng xử với người yếu thế. Tôi kêu tính tiền, thề với lòng sẽ không ghé quán này thêm lần nào nữa. Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến mấy hôm nay, dư luận sục sôi chuyện các sếp công ty xổ số lãnh lương “khủng". Chỉ tính trên bảng lương, có chữ ký, các lãnh đạo vé số đều có mức thu nhập 600 - 700 triệu đồng (ở Tiền Giang là 730 triệu đồng). Có doanh nghiệp xổ số, lương của các bác bảo vệ cũng trên 40 triệu đồng/tháng.

Tiền nhiều, các sếp xổ số thường xuyên đưa cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài "học tập kinh nghiệm xổ số". Ở Tiền Giang, ở Bình Phước, tiền dư đến mức công ty xổ số phải "huy động" cả cán bộ nghỉ hưu đi Mỹ, đi Tây "học tập kinh nghiệm".  Tiền nhiều thì chơi nhiều, hưởng nhiều, tất cả đều "đúng quy trình".

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo. Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần rách rưới, tay cầm xấp vé số đi "bán cái rủi may"; là những ông bà lão bảy - tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách kêu gọi lòng thương...

Những người khách ở Hà Nội vào miền Nam công tác lần đầu, thường rất ngạc nhiên, có khi khó chịu vì chỉ một cữ cà phê sáng mà phải lắc đầu từ chối vé số đến vài chục lần. Ít ai nghĩ đến nguồn thu ngân sách ở đồng bằng sông Cửu Long một phần rất lớn là do lực lượng vé số dạo mang lại. Người bán vé số chỉ hy vọng đủ cơm để sống qua ngày, vì không bán vé số, cũng không còn nghề nào để lựa chọn. Trong khi cán bộ và sếp ngành xổ số không biết cách nào tiêu cho hết tiền thì người bán vé số chỉ mơ từng bữa được no. Nhiều tỉnh thành phía Nam thu ngân sách khủng nhờ những đôi chân yếu ớt của hàng chục ngàn con người khốn khổ ngày ngày “đi bán ước mơ”. Vậy mà, chuyện “đi vệ sinh” cho đàng hoàng, sạch sẽ với họ cũng chỉ là ước mơ xa xỉ.

Bước ra khỏi quán Cổng Mặt Trời, tôi nhìn thấy người đàn ông vừa bò vừa lết trên vỉa hè, về hướng trụ sở UBND tỉnh.Quán chỉ cách cơ quan công quyền vài bước chân, tôi mong họ sẽ bước qua quán cà phê này 1 lần, nhìn thấy tấm biển tàn nhẫn kia và ít nhất, họ giúp người nghèo có cái quyền “đi vệ sinh”.

Theo Báo Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh