THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:43

Ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ: Ứng phó kịp thời và hiệu quả trong đại dịch

Thảo luận bàn tròn tại Tọa đàm về chuyên đề ‘’Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế’’.

Thảo luận bàn tròn tại Tọa đàm về chuyên đề ‘’Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế’’.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều nay 5/12 tại Hà Nội, các đại biểu đã tham dự tọa đàm chuyên đề ‘’Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế’’.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận và thảo luận bàn tròn về các nội dung như: An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam; đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; các khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam…

Các "gói" hỗ trợ thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Tham luận tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội ông Lưu Quang Tuấn cho biết, đến nay nước ta đã trải qua 4 làn sóng COVID-19. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

"Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 làm tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 giảm chỉ còn 1,42%. Ở một số thời điểm, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến tình hình lao động, việc làm và an sinh xã hội của người dân".

Cũng theo ông Lưu Quang Tuấn, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới.

"Trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch", Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhấn mạnh.

Cụ thể, các chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ như Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP và các chính sách khác đã ứng phó kịp thời, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định cuộc sống người dân và hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu trước các rủi ro do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông Tuấn nhìn nhận, đến nay thực tiễn cho thấy, các chính sách hỗ trợ về cơ bản đã được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc “hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, chính sách tài khóa trong hai năm qua (2020 và 2021) đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, chính sách tài khóa trong hai năm qua (2020 và 2021) đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội

Về định hướng giải pháp hoàn thiện và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm đối tượng trong và sau đại dịch.

Đồng thời, cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế… để nhanh chóng mở rộng phạm vi bao phủ của các chương trình an sinh xã hội dựa trên đóng góp như là một chiến lược để phát triển hệ thống an sinh xã hội tiến bộ, bền vững, phù hợp với các thách thức khách quan về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng, đảm bảo quy trình xác định đối tượng, xác định thiệt hại và thủ tục hành chính được rút gọn tối đa để đảm bảo hỗ trợ kịp thời.

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giúp người tìm việc, việc tìm người dễ dàng

Thảo luận bàn tròn tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người lao động, và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, chính sách tài khóa trong 2 năm qua (2020, 2021) đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội; các địa phương cũng đưa ra các gói chính sách đặc thù.

Đồng thời Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tiền điện, tiền nước; tăng quỹ vốn vay giải quyết việc làm... để kịp thời tạo điều kiện cho người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay và sắp tới chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững, trọng tâm vào 1 số vấn đề như: chương trình phục hồi sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống  y tế cơ sở, tiêm mũi 3 cho công nhân lao động… để đảm bảo cho người lao động yên tâm quay trở lại nơi làm việc. 

Các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham dự tại điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho đảm bảo phát triển giao thông giúp lao động và của chuyên gia di chuyển dễ dàng; tăng cường đầu tư, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động KCN, Khu chế xuất.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh cần xây các nhà mẫu gíao trông trẻ cho con em lao động.

Ngoài ra, tăng quỹ vốn vay để giải quyết việc làm, giúp cho phát triển kinh tế hộ gia đình, các DNNVV, Hợp tác xã; tăng cường giải quyết việc làm cho khu vực phi chính thức.

Cũng như tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp để tăng cường đào tạo lao động chất lượng cao, phục vụ phục hồi kinh tế, thích ứng chuyển đổi số, và tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở xã hội để tăng cường chăm lo cho trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, các đối tượng yếu thế ảnh hưởng Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp tăng cường kết nối cung cầu lao động theo hướng trực tuyến, giúp cho người tìm việc, việc tìm người một cách dễ dàng.

Và cuối cùng, để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: "Tiếp tục có các giải pháp chăm lo cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục theo dõi diễn biến đời sống công nhân, lao động và người dân nói chung, bảo đảm đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, không để ai bị thiếu ăn, mặc, thiếu nhà ở, để không ai bị bỏ lại phía sau".

Xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở 

Từ điểm cầu Bắc Giang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đề xuất việc xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Xác định lao động tại các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước song người lao động chưa có được chỗ ở tốt, đa số ở trong các nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, môi trường, sức khỏe, ông Phạm Văn Thịnh đề nghị trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.

“Cản trở lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng như người lao động vay, hiện chỉ trông chờ vào nguồn cấp từ ngân sách nên rất khó khăn. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ nên xem xét 2 giải pháp.

Một là, tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp (sửa đổi Nghị định 100 năm 2015 và Nghị định 49 năm 2021) và nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.

Hai là, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành.

Nguồn tiền gửi của quỹ là từ các doanh nghiệp sử dụng lao động (với yêu cầu bắt buộc) và nguồn gửi từ người lao động (có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội - khuyến khích, không bắt buộc)”, ông Phạm Văn Thịnh đề xuất.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu thuê, mua quỹ nhà ở xã hội hoặc xây dựng ký túc xá cho công nhân mình ở nhưng pháp luật chưa cho phép.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh, đây là nhu cầu hết sức chính đáng và hợp lý, Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi Luật Nhà ở và bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thuê, mua lại hoặc tự xây ký túc xá cho công nhân.

Là người có những nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của dịch COVID-19, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuyển tiền hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu.

 

Theo ông Jonathan Pincus, Chính phủ có thể đưa ra phương án vận chuyển những người lao động an toàn để họ quay lại khu vực công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn hạn, đảm bảo người thuê lao động có nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất trong thời điểm tới.

 

Một số ý kiến thảo luận chỉ rõ, phục hồi và phát triển bền vững cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới.

 

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngoài những gói hỗ trợ phục hồi, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới. Gói thể chế này nên cũng là một phần trong chương trình phục hồi bền vững, và đây là gói cứu trợ mà doanh nghiệp rất mong mỏi.

 

 

Thành Công

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh