CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Hà Nội: Dồn sức phát triển làng nghề

 

Thu hút 626.500 lao động 

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 198 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề CN- TTCN cũng thu hút trên 626.500 LĐ với trên 166,3 hộ sản xuất. Năm 2015, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt trên 7.658 tỷ đồng, chiếm 8,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, trong đó, giá trị sản xuất của 274 làng nghề được công nhận đạt trên 6.077 tỷ đồng. Nhiều cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc thay thế một số công đoạn thủ công, vì vậy năng suất, chất lượng đã tăng đáng kể.

Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, làng nghề CN-TTCN trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Cụ thể, mặt bằng tại các làng nghề chật hẹp chỉ đáp ứng từ 25 - 30% nhu cầu, xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng tại gia đình khó có thể đầu tư đổi mới công nghệ; vốn cho sản xuất- kinh doanh của các cơ sở phần lớn là vốn tự có; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề đã tới mức báo động, đặc biệt ở các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ khí...

Sản phẩm của làng nghề tại Hà Nội.

Đáng chú ý, việc phát triển cụm công nghiệp (CCN) cũng như di dời cơ sở sản xuất vào các cụm cũng rất khó triển khai, do giá thuê đất quá cao, vượt khả năng đáp ứng. Nghệ nhân Trần Đức Tân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Thịnh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Để một cơ sở sản xuất di dời ra CCN vốn đầu tư là khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm: Tiền thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề có quy mô nhỏ, tài chính hạn chế. Việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, bình quân mỗi cơ sở chỉ vay được khoảng 100 triệu đồng, chỉ đủ đầu tư thiết kế, sản xuất một bộ sản phẩm mẫu mới”.

Trước những vướng mắc trên, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phát triển làng nghề. Thông qua chương trình khuyến công, thành phố đã tổ chức 97 lớp truyền nghề cho 3.395 LĐ; tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội thu hút 3.000 khách thương mại, trong đó có 625 nhà nhập khẩu nước ngoài ký kết 10 hợp đồng với giá trị 300.000 USD.Thành phố cũng hỗ trợ 5 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm; 3 dự án đầu tư đổi mới thiết bị…

Hơn 70 tỷ đồng đào tạo nghề cho LĐNT 

Cùng với đó UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND, triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956 trên địa bàn thành phố năm 2016 với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố 70,045 tỷ đồng. Theo quyết định, đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 30.490 LĐNT trong năm 2016, trong đó: Giao các quận, huyện, thị xã tổ chức đào tạo 30.000 LĐ (nghề nông nghiệp 15.554 LĐ, nghề phi nông nghiệp 14.446 LĐ); giao Sở NN&PTNT tổ chức đặt hàng thí điểm dạy nghề nông nghiệp cho 490 LĐ. Về hình thức đào tạo thực hiện ký kết hợp đồng đặt hàng với các cơ sở dạy nghề đáp ứng đầy đủ các điều kiện dạy nghề theo quy định để thực hiện đặt hàng dạy nghề cho LĐNT theo quy định. Ngoài ra, thành phố tổ chức đào tạo cho cán bộ công chức xã từ nguồn kinh phí dạy nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 do Sở Nội vụ tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo. Mục tiêu của thành phố, tỷ lệ LĐ có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; các quận, huyện, thị xã đảm bảo 100% LĐNT được tuyên truyền, hiểu biết về chính sách học nghề theo Quyết định 1956.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, đi đôi với tiếp tục quán triệt, triển khai chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT; triển khai dạy nghề và mô hình điểm; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; phát triển và nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên...

UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng LĐ qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho LĐNT phù hợp, hiệu quả; đồng thời đảm bảo tính hệ thống, tính chính xác kết quả đào tạo nghề LĐNT và việc giải quyết việc làm cho LĐ sau học nghề.

Thực tế cho thấy, mô hình đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội nhiều năm qua đạt được các kết quả khả quan, đã tạo cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình, hạn chế việc di dân ra thành thị kiếm sống, đã giúp thanh niên ngoại thành Hà Nội ổn định cuộc sống, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

NHUNG THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh