THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:58

Bài toán bù đắp lao động sau đại dịch

Điều đó đồng nghĩa với việc khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu này đang và sẽ thiếu hụt hàng trăm ngàn lao động. Sự thiếu hụt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới nỗ lực phục hồi kinh tế thời gian tới.

  Vậy làm thế nào để xây dựng lại lực lượng lao động để kịp bù đắp vào chỗ thiếu hụt? Đó là một câu hỏi khó nhưng đó cũng chính là nhiệm vụ cấp bách mà cả chính quyền và doanh nghiệp cùng phải tìm cho ra câu trả lời.

  Qua khảo sát sơ bộ một số người về quê trong những đợt vừa rồi, hơn một nửa cho biết họ không có ý định quay trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, ít nhất là thời gian trước mắt. Không chỉ là nỗi lo dịch bệnh mà sự kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần suốt những tháng dài vừa qua khiến họ "chuyển đổi tư duy" và thay đổi cả mục tiêu lâu dài của cuộc sống. Vì thế, dù muốn dù không, các địa phương và doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tính tới việc thu hút và đào tạo lực lượng lao động mới thay thế, bên cạnh việc mời gọi số lao động cũ đã về quê quay trở lại làm việc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

  Để làm được việc này, trước hết cần phải đảm bảo chính sách tiêm vaccine cho toàn bộ lực lượng lao động để họ có thể yên tâm về mặt sức khỏe. Cùng với đó, cần có các chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần để trước mắt họ có thể đủ sống ngay cả khi doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động 100% công suất. Về lâu dài, cần có chiến lược về nhà ở, chính sách lương, tiền công và phúc lợi đủ tốt, chính sách bảo trợ trong điều kiện nền kinh tế gặp rủi ro...

  Những ngày qua, TP. Hồ Chí Minh đã bắt tay vào tính toán việc xây dựng nhà ở xã hội số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người lao động nghèo. Nếu thúc đẩy nhanh tiến độ thì có thể chỉ vài tháng nữa Thành phố sẽ có quỹ nhà ở cả triệu căn, đủ cung ứng cho hàng triệu người lao động. Đó là một giải pháp quan trọng và cơ bản để thu hút người lao động.

  Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo để không chỉ bổ sung nguồn nhân lực mà còn nâng cao năng suất lao động, là cơ sở để nâng cao thu nhập cho người lao động trong tương lai.

  Đó đều là những nhiệm vụ đầy thách thức, chỉ riêng chính quyền hay doanh nghiệp đều không thể tự giải quyết mà cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương, sự hợp tác chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp cùng các tổ chức chung tay thực hiện. Hơn nữa, những công việc này đều mang tính cấp bách nên không thể trì hoãn, chậm chạp. Thời gian không chờ đợi, cần phải hành động ngay từ bây giờ nếu không muốn để những cơ hội vuột qua tầm tay.

KHÁNH NGUYỄN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh