Bài 2: Hàng triệu lao động bị mất việc đang chờ chính sách
- Bài thuốc hay
- 13:20 - 28/03/2020
600.000 lao động TP. Hồ Chí Minh bị mất việc
Chiều ngày 26/3, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thông tin, dịch Covid--19 khiến khoảng 600.000 lao động tại Thành phố phải nghỉ việc và không có thu nhập. Chia sẻ với phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh), chị Nguyễn Thị Ánh (quê Bình Định), giáo viên mầm non trường Mầm non Hưng Phát (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, từ Tết tới giờ vì bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhà trường cho tất cả giáo viên nghỉ không lương, nhưng chi phí hàng tháng tiền thuê nhà và sinh hoạt cũng hết 5 triệu đồng mỗi tháng.
"Cũng khó khăn thật nhưng tình hình chung của cả nước đành chịu chứ biết sao giờ. nhà trường cũng khó khăn trong việc chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác thì làm sao hỗ trợ cho giáo viên được. Giờ ở nhà cũng không biết kiếm việc gì để làm thêm, trang trải trong giai đoạn khó khăn này", chị Ánh đượm buồn nói.
Cùng hoàn cảnh như chị Ánh, chị Bích Phương - giáo viên trường Mầm non Ngôi Nhà Trẻ Thơ (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP. Hồ Chí Minh), từ sau Tết Nguyên đán, vì diễn biến dịch bệnh phức tạp nên học sinh nghỉ, chị cũng không đến trường.
Vì nghỉ dạy dài hạn nhưng về quê cũng không biết làm gì để mưu sinh nên chị Phương cùng một nhóm giáo viên ở lại đợi đợt cao điểm của dịch Covid - 19 hết thì sẽ tiếp tục công việc, nhưng chưa biết đến khi nào.
Bình thường mỗi tháng đi dạy, mức lương của những giáo viên như chị Phương cũng hơn 6 triệu đồng. Hiện học sinh nghỉ, trường không hoạt động nên không có chi phí để duy trì và trả lương đầy đủ cho các giáo viên.
Với mức trợ cấp ít ỏi, ở lại thành phố cũng không có việc làm mà chi tiêu không đủ, nên các giáo viên tại trường cùng nhau chung vốn mở quán nước ngay trước cổng trường bán để sống qua mùa dịch. Quán nước của các giáo viên bán chỉ là nước cam, nước sâm, nước trái cây ép, nước tự nấu, giá bán chỉ 10.000 đồng.
Sự xuất hiện của một nhóm giáo viên chân mang dép lê, đầu đội nón lá đứng bán nước giữa cái nắng gắt trước cổng trường với dòng chữ "Giải cứu giáo viên mầm non" treo trước quán đã khiến rất nhiều người xót xa.
Không chỉ những giáo viên mà những người làm ngành nghề khác cũng mất việc rồi lâm vào cảnh khó khăn, chật vật tìm đủ nghề để mưu sinh trong mùa dịch Covid - 19.
Anh Nguyễn Văn Cường (quê Quảng Bình) là công nhân làm việc tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Miền Quê, chia sẻ: "Công ty tôi làm việc có khoảng 1.500 công nhân chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ. Trước đây chưa bị dịch bệnh Covid - 19 thu nhập của mỗi công nhân cũng gần 10 triệu đồng/tháng, nhưng từ sau Tết đến nay do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên công ty không xuất được hàng đành cắt giảm giờ làm, giảm lương nên thu nhập giảm hơn một nửa.
Chính vì cắt giảm giờ làm, thu nhập thấp nên hàng trăm công nhân đã nghỉ việc để tìm công việc mới đủ trang trải cuộc sống. Tôi cũng đã nộp đơn nghỉ việc để tìm việc làm mới ở một số công ty khác nhưng hầu như hiện nay công ty nào cũng cắt giảm nhân sự và giảm lương, giảm giờ làm nên tôi quyết định về quê một thời gian, khi nào hết dịch sẽ quay lại TP. Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương để tìm việc mới".
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, nhân viên công nghệ thông tin tại phòng khám Bạch Huệ - đường Nguyễn Thành Thái (quận 10) chia sẻ: "Tình hình dịch kéo dài, nên tạm thời phòng khám đóng cửa, mới đây được nghe sắp tới sẽ có chính sách hỗ cho lao động mất việc vì dịch Covid-19 nên anh Hoàng cũng cảm thấy yên tâm, tạm thời về quê phụ giúp công việc gia đình chờ đến khi hết dịch sẽ đi làm trở lại".
Anh Trần Văn Nam (quê Nghệ An, tài xế lái xe cho một công ty vận chuyển hàng hóa ở Bình Dương) chia sẻ: "Sau Tết tôi quay trở lại công ty để làm việc, mới được 2 tháng có thu nhập ổn định nhưng tháng này bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên công ty đã cho nhiều anh em tài xế nghỉ việc tạm thời và chỉ hỗ trợ một phần lương. Với chút tiền hỗ trợ chúng tôi đã cố hạn chế tối đa chi tiêu nhưng vẫn không đủ để trang trải tiền thuê nhà trọ, tiền điện nước và ăn uống hàng ngày… nên tôi và một số anh em đã rủ nhau chạy Grab chờ đến khi hết dịch, công ty hoạt động sẽ trở lại công việc bình thường".
Anh Nam chia sẻ thêm, không chỉ mỗi anh và một số đồng nghiệp thất nghiệp chuyển qua chạy Grab mà rất nhiều công nhân ở các khu công nghiệp bị mất việc cũng chuyển qua chạy Grab. Vì nhiều người chạy Grab nên mỗi ngày anh chỉ chạy được 3 đến 5 chuyến, trừ tiền chiết khấu, xăng, hao mòn phương tiện anh Nam chỉ còn vài chục nghìn đồng phải "thắt lưng buộc bụng" để cầm chừng qua ngày. "Hôm qua, đọc báo có nói Chính phủ đang xây dựng chính sách tín dụng đối với lao động mất việc vì dịch Covid-19, với mỗi lao động được vay tối đa 30.000 đồng. Nếu được như thế thì tốt quá, chúng tôi đang chờ đợi"- anh Nam phấn khởi.
Không những cơ quan ban ngành luôn tìm mọi cách để hỗ trợ người lao động bị mất việc mà các doanh nghiệp và chủ nhà trọ cũng cố gắng hỗ trợ phần nào nhằm giúp đỡ những người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid - 19.
Anh Mai Thái Nam - Giám đốc một công ty vận chuyển hàng hóa ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, nhiều công ty đối tác đã ngưng hoạt động nên không có việc làm, hầu hết mọi thứ đều trì trệ buộc phía công ty phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc tạm thời. Trong thời gian cho nhân viên nghỉ việc công ty luôn hỗ trợ họ mức lương tối thiếu vùng để giúp họ phần nào có chi phí để trang trải cuộc sống chờ đến khi hết dịch sẽ trở lại công việc bình thường.
Cũng theo anh Nam "Khi nghe thông tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, doanh nghiệp chúng tôi rất vui mừng và có động lực để phòng, chống dịch bệnh tốt hơn... Tôi rất mong đợt dịch bệnh này nhanh chóng dừng lại để tất cả doanh nghiệp trở lại hoạt động và người lao động có việc làm ổn định".
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các DN; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Qua báo cáo nhanh của các DN, khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất trong tháng 2. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật