THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:41

Bắc Kạn: Dân không được khai thác gỗ trên đất nhà mình

 

Tình trạng trên dẫn đến người dân phải đi chặt trộm gỗ rừng trồng của mình đem bán, trong khi đó KBTTN muốn xây dựng trạm kiểm soát lâm sản trên đất được quy hoạch của KBT, lại phải đền bù cho bà con mới được xây dựng.

Nhiều năm qua, đại diện của hàng trăm hộ dân xã Côn Minh đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, cũng như nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử chi của HĐND tỉnh tại địa phương về việc trồng lấn đất rừng, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng.

Một mảnh đất nhưng hai chủ

Ông Triệu Minh Toán, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Côn Minh – đại diện cho các cử chi cho biết: Một số hộ dân sinh sống trong KBTTN Kim Hỷ trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã thực hiện trồng rừng theo các chương trình dự án 327, 661 và người dân tự trồng từ năm 2000 trở về trước. Tuy nhiên vào năm 2004, nhà nước đã quy hoạch cả diện tích rừng của bà con vào KBTTN Kim Hỷ dẫn đến hiện nay bà con không được khai thác gỗ do mình trồng.

Ông Triệu Minh Toán trao đổi với phóng viên

"Chúng tôi trồng trước khi có KBT, người dân muốn được khai thác, nếu KBT không cho khai thác phải có cơ chế, văn bản gì về thu hồi đất, đền bù cho dân, làm sao cho hợp lý là được, người dân và nhà nước cùng có lợi, chúng tôi hỏi KBT thì bảo chỗ đó nằm trong đất bảo tồn nên hiện nay chưa có văn bản nào cho phép khai thác nên không được cấp phép khai thác”. Một người dân cho biết.

Theo quy định về ba loại rừng cũng như quy chế bảo vệ rừng đặc dụng của nước ta không cho phép khai thác gỗ trong rừng đặc dụng. Vì vậy, gỗ rừng trồng của bà con trước khi KBT được thành lập, hiện nay được quy hoạch thành khu bảo tồn thì người dân không được phép khai thác.

Văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp gửi tỉnh Bắc Kạn

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số người dân ở Bản Cuôn đã lén lút vào chính rừng do mình trồng để khai thác, do họ đầu tư tiền mua giống, trồng và chăm sóc hàng chục năm qua trên mảnh đất có sổ đỏ do nhà nước cấp, nhưng giờ không thể khai thác để bán dù kinh tế gia đình rất khó khăn.

 “Khi đến làm quy hoạch KBT, có cả UBND, các ban ngành đến làm, các ông quy hoạch mang cột mốc đi cắm, chỉ sau này mới biết là cột mốc cắm ở đó, nên giờ muốn canh tác cũng không được, bây giờ nhìn trên chỉ đỏ thì rừng đã nằm trong khu bảo tồn. Giờ không cho khai thác thì người dân cũng khai thác” – Ông Toán nói. 

Muốn khai thác gỗ để trả đất cho nhà nước

 Cũng là một hộ dân đã trồng cây mỡ, xoan trong phần diện tích đất của nhà mình trước đây, nay đã được quy hoạch vào KBT, ông Hoàng Văn Ngôn, người dân Bản Cào, xã Côn Minh cho biết: “Giờ cúng tôi chỉ muốn khai thác gỗ rồi trả đất cho nhà nước. Con tôi đi học không có tiền đóng, kinh tế rất khó khăn, gỗ nhà mình, đất nhà mình mà muốn khai thác phải xin phép, nhưng xin cũng không được”.

Gỗ rừng trồng của bà con đang được khai thác tại xã Côn Minh

Trạm kiểm soát lâm sản của Ban quản lý KBTTN Kim Hỷ xây dựng trên đất quy hoạch của KBT nhưng vẫn phải đề bù cho dân

Ngay sau khi nhận được những kiến nghị của bà con nhân dân xã Côn Minh, Lương Thượng, huyện Na Rì, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản số 166/HĐND – VP ngày 7/7/2016 gửi UBND tỉnh về ý kiến của cử tri liên quan đến việc chồng lấn đất rừng và đề nghị UBND chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét trả lời cử chi.

Ngay trong ngày 7/7/2016, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản hỏa tốc số 2769/UBND-TH gửi các sở, ban, ngành về việc giao trả lời kiến nghị của cử tri, do liên quan đến lĩnh vự nông lâm nghiệp nên giao Sở NN&PTNT trả lời.

Trước kiến nghị của cử tri, đại diện Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT cho rằng, đề nghị của cử tri là đúng và đã có văn bản gửi Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề nghị hướng dẫn về thủ tục và biện pháp kỹ thuật khai thác gỗ trong vùng đệm rừng đặc dụng. Tuy nhiên, tại văn bản số 676/TCLN – BTTN ngày 12/5/2016 của Tổng cục Lâm nghiệp trả lời rất chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể vì theo quy định không được khai thác gỗ trong rừng đặc dụng.

Người dân rất lo lắng vì không khai thác được gỗ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình

Theo đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng trồng thuộc vùng đệm KBTTN Kim Hỷ thực hiện việc lập hồ sơ khai thác gỗ theo quy định tại điều 8, 9 Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 và hình thức khai thác để lại mật độ 600 cây/ha phân bố đều trong lô. Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm 2016 vẫn chưa có diện tích rừng trồng nào của bà con được phép khai thác.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập theo Quyết định 1804/QĐ-UB, ngày 1/9/2003 của UBND tỉnh Bắc Kạn, Khu bảo tồn có tổng diện tích là 15.416 ha. Đến năm 2007, theo Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND, ngày 21/5/2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn, về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn, diện tích vùng lõi Khu bảo tồn là 14.772 ha và vùng đệm có diện tích là 18.931 ha thuộc 7 xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh huyện Na Rì và xã Cao Sơn, Vũ Muộn  huyện Bạch Thông.

HOÀNG ĐÌNH TƯỞNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh