Bác sĩ nói gì về vết hoại tử khủng khiếp ở chân “người ăn mày thảm thương nhất Hà Nội”?
- Dược liệu
- 18:03 - 20/11/2016
Vết thương hoại tử là thật
Như đã nói ở bài viết trước, khi chia sẻ với PV, Phạm Thanh Hùng (39 tuổi), người ăn mày thảm thương nhất Hà Nội đã khẳng định, vết thương hoại tử ở cẳng chân của mình là thật. Tuy nhiên, để chứng minh những lời Hùng nói là chính xác, PV đã đề nghị Hùng tới bệnh viện kiểm tra.
“Người ăn xin khốn khổ” Phạm Thanh Hùng
Trưa 18/11, được sự giúp đỡ của người dân, PV tìm được Hùng khi gã đang nằm ngủ trên ghế đá bên trong công viên Thống Nhất. Gặp lại PV, Hùng không giấu được sự ngạc nhiên. Khi nhắc lại đề nghị đưa Hùng đến bệnh viện để chẩn đoán chính vết thương hoại tử trên thì Hùng lại lắc đầu từ chối.
“Em không đi đâu anh ơi! Đợt trước cũng có người khuyên em đi bệnh viện để chữa bệnh, họ hứa sẽ giúp đỡ tận tình. Em cũng cả tin, mang hết số tiền dành dụm đưa cho họ. Họ đưa em đến bệnh viện, bảo em đưa tiền để vào làm thủ rồi cầm tiền đi mất. Em mất hết, cho nên em không tin ai nữa!”, Hùng kể lại.
“Em biết mình chẳng sống được bao lâu nữa, có vào viện cũng thế. Em không muốn lúc chết mà vẫn mang ơn người khác”, Hùng nói, nước mắt rơm rớm.
Tuy nhiên, biết Hùng muốn về quê, muốn được gần mẹ, PV đã lấy chuyện này để lựa lời khuyên nhủ. Thậm chí, PV còn nói thẳng rằng nhiều người hiện vẫn nghi ngờ vết thương ở cẳng chân kia là giả mạo, ngụy tạo.
“Anh cũng nghi ngờ em nên muốn đưa em vào viện kiểm tra đúng không? Được! Em đi cùng anh”, thấy PV nói thế, Hùng đã trả lời dứt khoát.
Hùng đang ngồi chờ khám bệnh
Khoảng 15h30 ngày 18/11, tôi cùng Hùng có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Hùng tập tễnh bước vào phòng khám. Người trực tiếp thăm khám cho Hùng là bác sĩ Phạm Văn Hùng, Khoa Ngoại.
Bác sĩ Phạm Văn Hùng - người trực tiếp xem xét vết thương ở chân của Hùng
Sau khi làm các công đoạn kiểm tra cảm giác của chân, nguyên nhân dẫn đến vết thương, thời gian bị bệnh, bác sĩ Hùng khẳng định, bệnh nhân bị viêm loét chân, cộng với việc bị HIV giai đoạn cuối nên sức đề kháng không còn.
“Mới đầu, đây chỉ là những vết thương hở, tuy nhiên nếu để thời gian kéo dài khoảng 1 đến 2 năm, vết thương sẽ dần bị hoại tử và có thể phải cưa chân để điều trị”, bác sĩ Hùng cho biết.
“Chính tay anh kiểm tra, da thịt của người thật, mạch đập thật, máu thật, dịch chảy ra là thật, anh xin khẳng định 100% vết thương của bệnh nhân là thật”, bác sĩ Hùng khẳng định vết thương trên cẳng chân người ăn mày là thật.
Bác sĩ Phạm Văn Hùng đang thăm khám vết thương
Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ cho biết thêm, vết thương trên chân Hùng chưa ăn vào xương nên hoàn toàn có thể chữa khỏi, nếu bệnh nhân được chăm sóc đúng cách và thăm khám đầy đủ.
Trước mắt, do tình cảnh của Hùng hết sức éo le nên bác sĩ chỉ có thể đưa ra một số cách để gã tự vệ sinh tại nhà. “Em lấy trà tươi sắc đặc kèm với muối dạ dày và thuốc tím tẩm vào bông, rồi sát trùng cho vết thương, cứ 30 đến 40 phút 1 lần”, bác sĩ Hùng hướng dẫn.
Bác sĩ Phạm Văn Hùng đang kê đơn thuốc cho người ăn xin
Trong khi bác sĩ còn đang thăm khám, Hùng liên tục đòi tôi đưa về. “Em giờ hoàn cảnh không nhà, không nơi nương tựa, làm sao có thể thực hiện được những việc ấy. Tiền ăn uống còn không có, nói gì đến chữa bệnh. Thôi anh cứ cho em về nhà đi”, Hùng năn nỉ.
Cảm ơn lòng tốt của mọi người
Kết luận của bác sĩ về vết thương ở chân Hùng
Trước khi rời phòng khám, bác sĩ Phạm Văn Hùng có gọi tôi lại và bảo: “Hôm nay em đưa cậu ấy đến muộn quá, nếu đưa đến sớm hơn anh sẽ trực tiếp vệ sinh vết thương, tầm 1 tuần nếu vết thương không đỡ thì ta sẽ cho cậu ấy vào viện.
Em không phải lo lắng gì về chuyện kinh phí, anh khám, vệ sinh miễn phí cho cậu ấy. Anh biết em làm phúc, anh cũng muốn làm gì đó cho cậu ấy. Cùng là một kiếp người, cũng nên giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Anh cũng chỉ muốn cậu ấy được sống nhẹ nhõm hơn những ngày cuối đời”.
Lúc đưa Hùng về “túp lều” của gã ở đường tàu Khâm Thiên, tôi có trình bày mong muốn của bác sĩ Phạm Văn Hùng nhưng người ăn mày này đã nguầy nguậy từ chối.
Sổ khám bệnh của Hùng
“Em cảm ơn bác sĩ, cảm ơn anh lắm nhưng thú thực bây giờ em chỉ mong ai đó giúp đỡ để em được về nhà. Bây giờ em cũng chẳng còn sống được bao nhiêu thời gian nữa, về nhà để gặp mẹ một lần, nếu có mất thì cũng có người nọ người kia”, Hùng thật thà chia sẻ.
Trò chuyện thêm lúc nữa, Hùng bảo, mấy năm lang thang ở Thủ đô, sống lay lắt bằng cách giơ cẳng chân lở loét xin tiền mọi người, dù là bước đường cùng nhưng gã thực sự thấy áy náy, day dứt.
"Nếu anh viết em lên báo thì cho em gửi lời cảm ơn mọi người. Không có tình thương của mọi người thì chắc em chết lâu rồi", Hùng sụt sùi.
“Em giờ ngủ ở công viên, sáng sớm có người đi chợ qua đường tàu cho em cái áo khoác, đêm nay chắc sẽ đỡ lạnh hơn anh ạ”, Hùng cười móm mém.