CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

Bắc Ninh: Năm 2017 tuyển sinh gần 50.000 người tại các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 

ảnh minh họa

Tính đến nay, toàn tỉnh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 43 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 2.880 giảng viên, giáo viên, trong đó có 45 tiến sĩ, 476 thạc sĩ và gần 1.000 giảng viên, giáo viên có trình độ đại học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đăng ký mở ngành mới và tổ chức đào tạo nghề, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo chính quy tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động còn được học nghề bằng nhiều hình thức đa dạng khác như: Đào tạo thường xuyên tại địa phương, tại các doanh nghiệp, các sở sở sản xuất, kinh doanh hoặc các làng nghề truyền thống. Năm 2017, tổng số học sinh, sinh viên tuyển mới tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 49.500 người, trong đó trình độ cao đẳng 3.764 người; trung cấp 4.215 người; sơ cấp 34.055 người và đào tạo dưới 3 tháng 7.466 người... Ngoài ra, còn hàng ngàn lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt kỷ cương nề nếp dạy và học, thường xuyên xây dựng kế hoạch dự giờ, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, trong đó có 39 nhà giáo đến từ 16 đơn vị tham gia.

Xác định việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, Sở LĐ- TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và chính sách ràng buộc doanh nghiệp trong tiếp nhận, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo vào làm việc. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các cơ sở dạy nghề bằng cách tham gia vào quá trình biên soạn chương trình, giáo trình, chấm thi thực hành; đào tạo theo đơn đặt hàng có sử dụng nguồn lực tại chỗ về trang thiết bị của doanh nghiệp; mời các chuyên gia kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề trong doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Elis – Italia, việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang được triển khai bước đầu có hiệu quả. Điểm sáng là Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Việt Nhật. Với cách làm này, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 90%, cá biệt đối với nhóm nghề điện tử, điện công nghiệp, kỹ thuật tỷ lệ này là 100%.

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, trong năm 2017, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.487 người, trong đó khoảng 75% có việc làm sau đào tạo. Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND phê duyệt quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có quy định về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp - chủ yếu là lao động nông thôn. Theo đó, có 27 nghề đào tạo được phê duyệt mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng khác nhau (11 nghề nông nghiệp, 16 nghề phi nông nghiệp).

 

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh