THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:27

Bắc Ninh: Mực tiêu tăng 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp. Về cơ cấu kinh tế, khu công nghiệp - xây dựng chiếm 77,3%, dịch vụ chiếm 16,1%, nông - lâm - thủy sản chiếm 2,7%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 796.608 người (chiếm 54,4% dân số); lao động khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 7,3%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 54,7%; lao động khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 38,0%. Tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp - xây dựng là 58,8%; dịch vụ là 29,5%, nông - lâm - thủy sản là 11,7%...

Các doanh nghiệp ở Bắc Ninh luôn chú trọng cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm ATVSLĐ. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp ở Bắc Ninh luôn chú trọng cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm ATVSLĐ. Ảnh minh họa

Những năm qua, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi doanh nghiệp, người lao động và góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do tai nạn lao động gây ra, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chính sách và chế độ bảo hộ lao động.

Đồng thời, quan tâm xây dựng và thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, triển khai huấn luyện ATVSLĐ đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, dễ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNNN) nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhờ đó đã hạn chế được các vụ tai nạn lao động, sự cố đặc biệt nghiêm trọng, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, tần suất tai nạn lao động năm sau giảm so với năm trước.

Qua kiểm tra và đánh giá, đa phần các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xác định công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đó cũng là biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ, BNNN, huấn luyện ATVSLĐ.

Kế hoạch nhằm mục tiêu chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn, tính mạng cho người lao động, tài sản Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh; đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động về công tác ATVSLĐ.

Mục tiêu cụ thể, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người, tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện và trong Ban Quản lý khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ; 80% số người làm công tác ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ.

Tỉnh đặt mục tiêu có trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ. Trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ. Trên 80% người bị TNLĐ, BNNN được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả Tháng hành động về ATVSLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; các hoạt động nâng cao trách nhiệm, hiệu quả các phong trào quần chúng về công tác ATVSLĐ đối với người sử dụng lao động và người lao động.

Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện tài liệu tuyên truyền, huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ và người lao động, ưu tiên người làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người nông dân theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân đăng ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ. Tăng cường tuyên truyền, huấn luyện, bảo đảm an toàn trong sử dụng khí gas trong các hộ gia đình; giữ an toàn trong sử dụng điện tại khu vực nông thôn, khu dân cư, trường học.

Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát và các cơ quan quản lý về công tác ATVSLĐ; quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa đặc thù an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ, BNNN. Kiện toàn cơ sở dữ liệu về ATVSLĐ (ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; điều tra, thu thập số liệu thống kê), ưu tiên vào các dữ liệu về điều kiện lao động của người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; TNLĐ, BNNN, môi trường lao động. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ về ATVSLĐ; hỗ trợ triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNNN (hóa chất, xây dựng…). Tăng cường tư vấn các biện pháp và mô hình cải thiện điều kiện làm việc đến các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã, hộ nông dân làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ, BNNN...

AN NHIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh