Bạc Liêu: Hỗ trợ vốn, nhà ở giúp hộ nghèo vươn lên
- Dược liệu
- 14:15 - 22/05/2017
Có nhà để an cư, lại được vay vốn để làm ăn, sau nhiều đêm suy tính bà Tâm ở ấp thị trấn Phước Long, huyện Phước Long quyết định sắm một chiếc xe đẩy để bán hành rong các loại từ gói mỳ ăn liền, tương, cà, mắm, muối đến các loại rau tươi, củ, quả…
Mặc dù nhà bà Tâm ở ngay mặt tiền của một con đường khá rộng trong thị trấn, nhưng bà vẫn kiên trì, nhẫn nại đẩy chiếc xe đi bán dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm của thị trấn Phước Long.
Nhờ vào chiếc xe cộng với sự tháo vát, mua tận gốc bán tận ngọn và rau, củ, quả luôn tươi, phục vụ “thượng đế” tận nhà, với giá cả mềm hơn những người ngồi bán ở sạp trong chợ thị trấn, nên xe hàng của bà Tâm ngày càng đắt khách.
Buôn bán giữ được chữ tín, tiếng lành đồn xa, nhiều bà nội chợ xung quanh thị trấn bây giờ đã có thói quen phải chờ bằng được xe hàng của bà đi qua mới mua. Không phụ lòng khách hàng, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà không bao giờ lỡ hẹn, với những lộ trình đã được vạch sẵn từ trước, không thay đổi, kể cả giờ giấc.
Nhờ buôn may, bán đắt chỉ một thời gian ngắn, bà Tâm đã hoàn trả xong vốn vay và tích cóp được một ít lưng vốn đưa cho chồng mở điểm mua bán phế liệu. Bà Tâm cho biết, gia đình chị thiếu đất canh tác, nên khi lập dự án để vay vốn, chị chọn lựa mô hình buôn bán nhỏ, vì nó phù hợp với điều kiện và khả năng của chị.
Với suy nghĩ, tính toán kiểu lấy công làm lời, nay tổng thu nhập bình quân của cả 2 vợ chồng cộng lại khoảng 20 triệu đồng/tháng. Bà Tâm nói, đó là một món tiền mà ngày xưa chị có nằm mơ cũng không thấy.
Được hỗ trợ về nhà ở lại được hỗ trợ vay vốn buôn bán nhỏ, nhiều hộ nghèo thiếu đất sản xuất ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu đã vươn lên thoát nghèo
Bây giờ căn nhà tình thương năm xưa của bà đã nhường chỗ cho một căn nhà mới vừa được xây thật khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi và nuôi các con ăn học.
Là nhà mặt tiền, mặc dù đã mở hẳn một tiệm tạp hóa tại nhà, nhưng hàng ngày bà Tâm vẫn đẩy xe hàng rong ruổi trên khắp các nẻo đường trong thị trấn và chồng bà cũng đang mở rộng quy mô điểm mua bán phế liệu. Cứ chịu khó tích tiểu thành đại, gia đình bà hiện nay đã đổi đời, không chỉ thoát nghèo bền vững, mà đang khấm khá lên trông thấy.
Lãnh đạo Phòng LĐ – TB & XH và BCĐ giảm nghèo huyện Phước Long cho biết, trên cơ sở khảo sát điều tra hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo, BCĐ giảm nghèo huyện đã có những giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo cơ hội cho các hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, buôn bán nhỏ tăng thu nhập cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bên vững.
Từ 2006 đến nay, những hộ thiếu đất canh tác, sống ở khu vực thị trấn, không có việc làm ổn định đã được xét vay vốn ưu đãi để buôn bán nhỏ. Đây là một mô hình được nhiều hộ nghèo trong thị trấn Phước Long lựa chọn, triển khai và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ngoài gia đình bà Tâm còn rất nhiều hộ gia đình khác ở thị trấn Phước Long thực sự đổi vươn lên thoát nghèo bền vững trở thành những tấm gương điển hình, được nhiều người trong thị trấn noi theo.