Bạc Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:20 - 10/04/2023
Thực hiện chiến lượng phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến 2025, định hướng đến năm 2030… Tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030" trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Kế hoạch về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp cho lao động vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; đồng thời thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp nhằm trạng bị kiến thức, ưu tiên phát triển kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, chuyển đổi số cho người học.
Từ ngày 7-9/4 /2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực tổ chức lớp tập bồi dưỡng“ Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp ” cho lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý, nhà giáo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp bồi dưỡng các học viên được học các chuyên đề: Tổng quan về chuyển đổi số, kỹ năng chuyển đổi số, trải nghiệm chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá, mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập…
Lớp bồi dưỡng do chuyên gia đầu ngành của Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực có kiến thức, kỹ năng, am hiểu sâu, có kinh nghiệm về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trao đổi. Chuyên gia đã áp dụng điêu luyện, hiệu quả phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực thực hiện, chú trọng tương tác, trải nghiệm, nên lớp bồi dưỡng sát mục tiêu, nội dung, có sức hấp dẫn, hiệu quả và thực sự cần thiết.
Được biết trong thời gian qua giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng đào tạo kỹ năng, bởi kỹ năng lao động là giá trị cốt lõi của việc làm thỏa đáng và quá trình phát triển, hoàn thiện bản thân người lao động. Muốn lao động có kỹ năng, kỹ năng cao cần chú trọng cả trước, trong và sau đào tạo, cùng với rèn luyện trong lao động sản xuất và phải thực hiện thường xuyên, liên tục có kế hoạch cụ thể, bằng các hình thức đào tạo mở, linh hoạt, đa dạng; bảo đảm minh bạch, dễ tiếp cận và phù hợp các đối tượng khác nhau, nhất là phụ nữ, nhóm yếu thế và gắn với việc chuẩn hóa, công nhận trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp của người lao động. Để góp phần đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng đào tạo tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp trong đó chú trọng chuyển đổi số. Chỉ tính trong năm 2022, đã đào tạo được 14.500 người, đạt 103,6% kế hoạch, trong đó đại học 450 sinh viên, cao đẳng 691 sinh viên, trung cấp 571 học sinh, sơ cấp 970 người, đào tạo dưới 3 tháng 11.818 học viên. Đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 1.752 học viên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3.055 người, truyền nghề 3.086 người, liên kết, hợp tác đào tạo trong và ngoài tỉnh 3.925 người. Góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo đạt 67,36%, tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp 25,63%.
Trong năm 2023 tỉnh Bác Liệu triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu năm 2023. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số; quan tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.