THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

Bắc Kạn: Tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

 

Trao hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo tại xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

 

Theo đó, tại cấp tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ phụ trách địa bàn cho từng thành viên. Đặc biệt, để tổ chức thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 1/1/2017, UBND tỉnh đã thành lập Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Mục đích nhằm thu gọn đầu mối tham mưu giúp việc, đồng thời mang tính chuyên sâu, không kiêm nhiệm, phù hợp với cơ chế quản lý chương trình và lồng ghép các nguồn lực phục vụ mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở văn bản Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/1/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững là 2 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội cần chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu giai đoạn.

Xác định công tác truyền thông, nâng cao  nhận thức của các cấp, ngành và người dân về công tác giảm nghèo, ý thức vươn lên thoát nghèo có vai trò quan trọng, trong 3 năm (2016 - 2018), cấp tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 48 lớp cho cán bộ cơ sở; xây dựng 3 phóng sự, 6 chuyên mục, 5 chương trình phát thanh và hơn 50 tin bài tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tổ chức 2 hội thi tìm hiểu, tuyên truyền về chủ trương, chính sách và kết quả xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức, chất lượng của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thực hiện tốt các chương trình phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chương trình MTQG, qua đó kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu kế hoạch, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trong 3 năm (2016 - 2018), tỉnh Bắc Kạn được Trung ương hỗ trợ tổng nguồn vốn hơn 503 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2018, từ nguồn kinh phí hơn 14,5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a, Bắc Kạn đã thực hiện hỗ trợ trồng rừng, sản xuất, mua giống cây trồng, vật nuôi, vỗ béo trâu bò, chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, mô hình trồng khoai môn... Chương trình 135 với kinh phí 63,6 tỷ đồng đã thực hiện hơn 100 dự án hỗ trợ sản xuất cho các đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong 3 năm (2016 - 2018), trên địa bàn tỉnh có 56.557 lượt hộ được vay vốn với doanh số trên 1.767 tỷ đồng, trong đó có 20.043 lượt hộ nghèo, doanh số 613 tỷ đồng; 5.399 lượt hộ cận nghèo, doanh số 219 tỷ đồng; 811 hộ mới thoát nghèo, doanh số 36 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay là 1.818 tỷ đồng, trong đó dư hộ nghèo là 637 tỷ đồng/16.798 hộ; hộ cận nghèo 273 tỷ đồng/7.171 hộ; hộ mới thoát nghèo 37 tỷ đồng/908 hộ... Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho 15.560 lao động, tư vấn việc làm cho 13.102 người, tổ chức dạy nghề cho 14.228 lao động. Năm 2018, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn đã giao hơn 6 tỷ đồng cho các địa phương triển khai thực hiện.

Về chính sách BHYT, chăm sóc sức khỏe, từ năm 2016 - 2018, toàn tỉnh đã cấp thẻ BHYT cho 635.331 lượt đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 98%; 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do ngân sách Nhà nước đảm bảo đều được cấp thẻ. Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh đến trường theo độ tuổi, nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, từ năm 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ 828 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 20,6 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý trong công tác giảm nghèo ở Bắc Kạn là địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Đề án OCOP) theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Theo kết quả tổ chức điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có 28 sản phẩm thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó: Nhóm thực phẩm có 17 sản phẩm; nhóm đồ uống có 6 sản phẩm; nhóm thảo dược có 2 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 2 sản phẩm... Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm là 73,5 tỷ đồng/năm. Có 46 tổ chức tham gia sản xuất sản phẩm tại địa phương, thu hút 509 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh cho biết: Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngay từ đầu giai đoạn, Bắc Kạn đã triển khai xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai xuyên suốt trong cả giai đoạn. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực hạn chế, các cấp đã cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực. Trong 3 năm (2016 - 2018), tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,87% (bình quân mỗi năm giảm 2,4%), đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, kết quả này là tiền đề cho việc thực hiện hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn. Các huyện nghèo giảm 6,57% tỷ lệ hộ nghèo (bình quân mỗi năm giảm 3,28%).

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 17,83% vẫn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo của cả nước 6,7% và cao thứ 3 trong các tỉnh miền núi Đông Bắc. Tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo còn chậm chưa đạt mục tiêu của chương trình. Theo kết quả rà soát, đánh giá huyện nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn có 1 huyện Ba Bể thoát nghèo nhưng lại có 1 huyện  Ngân Sơn được bổ sung vào danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, việc phân bổ vốn còn chậm, cơ chế thực hiện chương trình khó khăn. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương hướng dẫn chậm nên địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Thêm vào đó là điều kiện kinh  -  xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nội lực của người dân yếu cả về trình độ, năng lực sản xuất, còn tình trạng hộ nghèo có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động phát triển sản xuất ở quy mô nhỏ, chưa năng động, chưa gắn sản xuất liên kết với tiêu thụ sản phẩm...

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%, các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5 - 4%. Tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để người nghèo có điều kiện tiếp cận tham gia thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch giảm nghèo từ cơ sở, trong đó xác định cụ thể hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để có giải pháp thích hợp với từng đối tượng. Tổ chức đánh giá giữa kỳ, tìm ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian tiếp theo. Hàng năm, thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo để xây dựng kế hoạch an sinh xã hội phù hợp, đồng thời đánh giá tác động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho công tác giảm nghèo. Hướng dẫn hình thành các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã phát triển sản xuất, thông qua đó người nghèo biết cách làm ăn, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm tăng thu nhập.

ĐỨC HUY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh