Bắc Kạn: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- Bài thuốc hay
- 00:54 - 19/09/2020
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nghèo, lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện chiếm 75% dân số. Ðể người dân có sinh kế bền vững, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhờ đó tỷ lệ người lao động qua học nghề có việc làm ngày một tăng lên…
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động trong độ tuổi thanh niên; tổ chức đào tạo nghề cho gần 45.000 thanh niên.
Để có kết quả này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tờ rơi, sổ tay về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thông tin về thị trường lao động, việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Ngoài ra, các nhà trường đã phối hợp với cơ sở đào tạo tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho trên 20.000 học sinh khối trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với ngành Giáo dục và các ngành liên quan tổ chức tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên và học sinh của các trường THPT về những điểm cơ bản trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng; thông tin về nhu cầu nhân lực mà các ngành đang cần; định hướng cho đoàn viên, thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội; tổ chức đối thoại với đoàn viên, thanh niên những vấn đề về nghề nghiệp, việc làm.
Cùng với hoạt động định hướng, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm thì công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội cũng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như đảm nhận xây dựng các công trình của địa phương, hoặc vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Tỉnh đoàn quản lý là hơn 190 tỷ đồng với 266 tổ tiết kiệm vay vốn. Toàn tỉnh có 280 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, có 402 mô hình cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên và 162 mô hình cho thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.
Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 20.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết thêm 5.000 việc làm. Nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2020, kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới mức 3,5%. Trong đó, số lao động được tạo việc làm mới trong khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ lệ gần 30%; khu vực nông lâm nghiệp chiếm hơn 70%.
Hiện nay ở Bắc Kạn có hơn 200.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 70% dân số. Trong đó, nhóm lao động chưa qua đào tạo chiếm tới hơn 60% và số này chỉ có thể làm những công việc đơn giản trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa có bằng cấp cũng chiếm tới gần 50%. Điều này cho thấy cơ cấu lao động ở Bắc Kạn còn yếu kém về trình độ sản xuất, chất lượng nguồn lực lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết vệc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới, Bắc Kạn tập trung cập nhật biến động lao động để hỗ trợ chuyển dịch việc làm sang hướng phi nông nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh giới thiệu việc làm, phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo địa chỉ việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ thuật cao để phục vụ công tác xuất khẩu lao động và các ngành kinh tế mũi nhọn.