Bắc Kạn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững
- Giáo dục nghề nghiệp
- 07:12 - 08/12/2021
Chỉ tính trong 4 năm trở lại đây, thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, huyện Ngân Sơn đã mở được 36 lớp dạy nghề với 833 lao động được đào tạo. Năm 2020, nhu cầu đăng ký thực hiện 18 lớp với 540 lao động, hiện nay đang triển khai thực hiện. Qua đánh giá, lao động được đào tạo đã áp dụng kiến thức vào trong sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả phát triển sản xuất của hộ gia đình. Cùng đó, phối hợp với với ngành chức năng của tỉnh, các công ty, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 1.700 lao động có việc làm mới, trong đó có 153 lao động xuất khẩu. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Ngân Sơn đã tích cực triển khai, mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường chỉ đạo các xã, trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình hàng năm về dạy nghề cho lao động nông thôn, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động nông thôn để tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá. Qua đó góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ngoài ra, nhằm dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn tại các xã để xác định rõ nhu cầu, mong muốn được đào tạo của người lao động nông thôn. Gắn kết nhu cầu với kế hoạch đào tạo giúp người lao động hiểu rõ quyền và lợi ích họ có được sau khi được đào tạo. Đồng thời đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng học tập nghề của nhân dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện.
Đặc biệt, xác định đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng gắn với công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ngân Sơn đã nỗ lực thu hút các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh để ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới. Đồng thời, giúp người dân sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả theo đúng định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh và Trung ương. Bên cạnh đó là quan tâm, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế; chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa; liên kết các tổ, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Ngân Sơn được cấp hơn 70 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn này nhằm xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ về tiền điện, tiền học, mua bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo; trong đó chủ yếu hỗ trợ các giống cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế.
Từ việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ngân Sơn từng bước nâng cao ý thức, vươn lên thoát nghèo. Nhất là những người sau khi được đào tạo nghề bước đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế như: mô hình trồng cây dẻ, hồng không hạt, lê, chăn nuôi gia súc... Những mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề, mặt khác còn giúp lao động nông thôn tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi, chuyển đổi dần nghề nghiệp theo hướng tích cực.
Bằng các giải pháp hiệu quả trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo ở Ngân Sơn giảm từ 50,96 xuống 34,17%, trung bình mỗi năm giảm 4,2%, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đề ra... Có thể nói, đây chính là "đòn bẩy" quan trọng để địa phương tiến tới giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện.