THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:17

“Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”

 

Đây là chuỗi các hoạt động thiết thực, hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng việc làm, hoạt động cụ thể của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại “ngôi nhà chung”. Các hoạt động này tiếp tục thực hiện chủ đề năm quý II năm 2018 "Có một Tây Nguyên như thế" tại Làng, nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng  miền thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 Với sự tham gia của 11 địa phương gồm: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng cùng sự tham gia của sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội; các nghệ nhân, tiểu thương của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tại sự kiện sẽ diễn ra trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc với điểm nhấn “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” từ ngày 12 - 31/5 tại làng dân tộc Ê Đê. Trưng bày này sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh vật dụng sinh hoạt, sáng tác văn học - nghệ thuật, câu chuyện, bài báo... về Bác Hồ. Đặc biệt là hình ảnh, câu chuyện Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; chia sẻ của đại diện đồng bào Tây Nguyên đã từng gặp Bác, người sưu tầm hình ảnh, hiện vật và lưu giữ những câu chuyện về Bác tới khách du lịch…

 

Ảnh minh họa

 

Tiếp đó là triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” diễn ra ngày 19-20/5 tại làng dân tộc III nhằm giới thiệu hình ảnh về hoa sen qua nghệ thuật của các nhà nhiếp ảnh; giới thiệu ẩm thực chế biến từ hoa sen như trà sen, mứt sen, cháo sen… Cùng với đó là chương tình dân ca, dân vũ “Xúc cảm tháng 5 -  Hoa sen nhớ Bác” ca ngợi Bác Hồ, khắc hoạ tình cảm của Bác dành cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Song song với các hoạt động với chủ đề “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” là lễ hội truyền thống của các dân tộc. Mở đầu là tái hiện Lễ cưới của đồng bào RagLai tỉnh Ninh Thuận diễn ra vào ngày 20/5 tại làng dân tộc RagLai. Cũng như các tộc người, khác đám cưới của người Raglai cũng trải qua nhiều nghi thức từ: Đính ước, ăn hỏi, và lễ cưới. Ở cộng đồng người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên mọi quyết định quan trọng nhất trong đám cưới nhà gái đều nắm vai trò chủ động và quyết định, nghi lễ cưới chính cũng được tổ chức ở nhà gái. Tuy nhiên, trong tình yêu và lễ dạm hỏi thì nhà trai vẫn là người chủ động đi hỏi vợ, khi đã được cô gái chấp nhận họ tiến hành nghi thức “lễ nhận hỏi”, đôi trai gái trao vòng cho nhau như một vật đính ước chờ ngày cưới. Lễ cưới của người Raglai là một trong những nghi lễ quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời, diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Bên cạnh đó, Lễ cúng bến nước dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai cũng được tái hiện vào ngày 26/5 tại làng dân tộc Gia Rai. Với quan niệm “Vạn vật hữu linh” đồng bào dân tộc Gia Rai cho rằng “Yang Ia” là vị thần tạo ra nguồn nước nên hàng năm cứ đến dịp đầu năm mới hay thời điểm bắt đầu mùa mưa, người dân lại tổ chức lễ cúng Bến nước. Đây là một tục lệ thể hiện nét đẹp của văn hóa dân tộc Gia Rai tại Tây Nguyên. Cúng Bến nước là dịp người dân cùng có trách nhiệm làm sạch bến nước, sửa sang lại đường xuống lấy nước cho thuận tiện; thanh niên trong làng được phân công đi chặt cây lồ ô, cây tre về làm cây nêu trang trí cho lễ cúng. Đối với đồng bào dân tộc Gia Rai bến nước không chỉ là nơi để lấy nước về sinh hoạt, mà còn là trung tâm thông tin của dân làng. Hàng năm người dân đều duy trì việc cúng Bến nước để tạ ơn Yang Ia đã ban cho con người nguồn nước dồi dào, dân làng khỏe mạnh.

 Cũng trong dịp này, Lễ mừng nhà mới của đân tộc Chăm Bà La môn (tỉnh Ninh Thuận) cũng được tái hiện vào ngày 27/5 tại làng dân tộc Chăm. Đối với đồng bào dân tộc Chăm ngôi nhà là không gian sống động linh thiêng, nó như một linh hồn sống. Đồng bào dân tộc Chăm Bà La Môn về hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” làm lễ để “nhận đất nhận nhà” tại Hà Nội và từ đây ngôi nhà cùng với đền tháp của họ sẽ trở thành linh hồn, là “trái tim” niềm tự hào của người Chăm. Sau lễ mừng nhà mới bà con sẽ múa hát trên đền tháp mừng về với quê hương đồng bào Chăm vì với bà con Chăm Bà La Môn ở đâu có đền tháp thì ở đó có quê hương của đồng bào Chăm.

BTC cho biết, trong tháng 5, vào các ngày cuối tuần luôn có các hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ “Ngọn lửa cao nguyên” với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc Ê Đê, RagLai, Tà Ôi, Cơ Tu đang hoạt động hàng ngày cùng sự kết hợp của nhóm nghệ nhân trẻ Tây Nguyên giới thiệu các ca khúc, điệu múa về Bác Hồ, về quê hương, đất nước. Dân ca, dân vũ tại làng dân tộc Gia Rai “Tình ca bến nước” với những bài hát Tây Nguyên, những điệu hát về tình ca bến nước Tây Nguyên; diễn xướng cồng chiêng và các loại nhạc cụ mang sắc màu Tây Nguyên.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của đồng bào các dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh