Bắc Giang: Người dân tự ý phá rừng sản xuất
- Pháp luật
- 17:13 - 07/06/2016
Để ngăn chặn người dân vào phá rừng, Cty Lâm nghiệp Yên Thế phải lập lán, cử bảo vệ trông coi.
Theo phản ánh của Cty Lâm nghiệp Yên Thế, diện tích rừng của Cty đã bị nhiều người dân xâm hại nghiêm trọng để chiếm đất, lấn đất với quy mô lớn. Trước tình trạng rừng bị xâm hại ngày càng lớn, phía Cty đã ra sức thuyết phục, tuyên truyền, thế nhưng tình trạng người dân tự ý phá rừng vẫn chưa dừng lại.
Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Yên Thế cho biết: “Các lần trước chúng tôi tuyên truyền một số người nhận thức được nên không phá nữa, tuy nhiên ít ngày sau lại có thêm một số người dân mới tham gia phá rừng. Đây là hành vi phá hoại tài sản của Cty, nếu việc này không dừng lại chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khoảnh 7, khu Suối Cái, thôn Đồng An, xã Đồng Tiến, hàng loạt cây bạch đàn bị người dân chặt hạ ngổn ngang để chiếm đất. Theo ông Chúc, khi phát hiện ra các đối tượng phá rừng sản xuất của mình, Cty Lâm nghiệp Yên Thế đã báo cáo lên UBND huyện Yên Thế, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Yên Thế, UBND xã Đồng Tiến... để nhờ hỗ trợ, giúp đỡ, đấu tranh ngăn chặn người dân phá rừng.
Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Để ngăn chặn người dân vào phá rừng, Cty phải cử bảo vệ lập lán nhiều ngày nay để trông coi 24/24h. Theo một bảo vệ của Cty Lâm nghiệp Yên Thế cho biết, vì là dân trong vùng, lại manh động nên khi phát hiện sự việc, chúng tôi chỉ tổ chức xua đuổi, không dám bắt bớ, hay dùng các biện pháp mạnh tay, chỉ cần xảy ra xô xát là họ lấy cớ để kích động thêm nhiều người dân phá rừng, xảy ra chuyện lớn ngay.Ông Nguyễn Đình Vinh, kiểm lâm viên cho biết: “Chúng tôi phải vào ở, sinh hoạt tận lán với lực lượng bảo vệ Cty Lâm nghiệp Yên Thế, khi phát hiện người dân phá rừng chúng tôi đã tới để ngăn chặn, tuyên truyền, vận động họ không phá. Đến khi thấy nhiều đoàn vào kiểm tra, đấu tranh thì họ mới chịu rút khỏi”.
Theo ông Vinh, các đối tượng tham gia phá rừng đều là người trong xã Đồng Tiến, chúng tôi biết hết, tuy nhiên trước mắt sẽ tới tận nhà để tuyên truyền, động viên và giải thích cho họ rõ, nếu không chấp hành và ngừng ngay việc phá hoại rừng thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm.
Hàng loạt cây bạch đàn bị người dân chặt hạ.
Được biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Yên Thế đã xảy ra rất nhiều vụ phá rừng sản xuất, tuy nhiên đây là vụ việc có quy mô lớn với một số người cầm đầu rất manh động. Sau khi nhận được báo cáo của Cty Lâm nghiệp Yên Thế và UBND xã Đồng Tiến, UBND huyện Yên Thế đã cử đoàn liên ngành về làm việc tại địa phương và kiểm tra thực địa. Chính quyền địa phương đã đến tận nhà người dân có trong Biên bản kiểm tra về việc phá rừng sản xuất của Cty Lâm nghiệp Yên Thế để tuyên truyền, nhắc nhở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Trước mắt chúng tôi tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu và họ hứa sẽ không tham gia phá hoại rừng sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, địa phương quyết định không phạt vi phạm hành chính cũng như không kiến nghị khởi tố hình sự. Nhưng nếu người dân không dừng lại và vẫn tiếp tục chặt phá rừng, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, bởi có mạnh tay thì tình hình phá hoại rừng mới chấm dứt được.
Trước tình trạng rừng bị phá bởi một số người dân trong vùng, thế nhưng các cơ quan chức năng huyện Yên Thế vẫn chỉ dừng lại ở mức “tuyên truyền, nhắc nhở” sẽ khiến cho nguồn tài nguyên rừng tiếp tục bị tàn phá, tình hình an ninh, trật tự cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ không phát huy tác dụng. Để giải quyết vấn đề trên, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ tình trạng phá rừng và xử lý kịp thời, dứt điểm.