Bắc Giang: Lần đầu tổ chức Liên hoan chầu văn cấp tỉnh
- Văn hóa - Giải trí
- 12:56 - 18/10/2015
Tại Bắc Giang, loại hình nghệ thuật tâm linh này phổ biến ở các đền như: Suối Mỡ (Lục Nam), Nguyệt Hồ (Yên Thế), đền Bò (Lục Nam), Chầu Lục, Từ Mận (Lạng Giang), đền Cô Bơ Cầu Khoai (Yên Thế), Gốc Khế (Tân Yên), Tân Ninh, Phủ Chúa, Cô Đôi Bến Thánh (TP Bắc Giang), Đà Hy (Yên Dũng)... Đó là chưa kể các điện tư gia của các thanh đồng tự lập thờ ở các địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Một năm bốn lễ chính: Lễ thượng nguyên dịp đầu năm, lễ vào hạ dịp tháng Tư, lễ tán hạ dịp tháng Tám, lễ tất niên, ở đó nhân dân tổ chức rất chu đáo lễ cúng Mẫu và thực hiện các nghi thức hầu bóng. Một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức liên hoan diễn xướng hát văn, hầu đồng thu hút đông đảo nhân dân cổ vũ
Tham gia Liên hoan hát văn toàn tỉnh lần này, mỗi huyện, thành phố và các đơn vị thành lập 1 đoàn nghệ thuật biểu diễn 3 tiết mục giá hầu đồng (chọn trong 36 giá đồng), mỗi tiết mục không quá 10 phút, có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp và được phép múa phụ họa. Để bảo đảm tính lành mạnh, Ban tổ chức quy định các đội tham gia không sử dụng tiền để phát lộc, không phán truyền hoặc thực hiện các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa trong quá trình diễn xướng. Các thí sinh không chỉ được quyền thể hiện các thánh tích, nghi lễ hầu đồng cổ ca ngợi thần linh, thánh mẫu, mà còn được đặt lời mới theo hướng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Đây cũng là cách để bảo tồn những giá trị tinh túy còn lại của hát văn, đồng thời đưa loại hình nghệ thuật tâm linh gần gũi với đời sống nhân dân. Ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang cho biết: “Thực tế đã cho thấy, hình thức sân khấu hóa loại hình nghệ thuật tâm linh hát văn, hầu đồng đã làm tăng tính hấp dẫn, cuốn hút nhân dân vào sân chơi mới lạ”.
Ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đánh giá: “Liên hoan lần này diễn ra nghiêm túc, lành mạnh, an toàn và đạt chất lượng cao, thu hút đông đảo nhân dân cổ vũ, thưởng thức. Các đoàn tham gia có sự chuẩn bị công phu, chu đáo, phong cách trình diễn và trang phục bảo đảm theo nghi lễ truyền thống (không phản cảm, lai ghép, lố lăng), khi hầu thánh giữ được nghi lễ, phép tắc truyền thống. Các thí sinh đã trình diễn tổng số 75 giá đồng, đa số thanh đồng, cung văn còn trẻ. Hầu hết các tiết mục sử dụng lời bài hát cổ, có múa phụ họa, tạo không khí sôi nổi. Các cung văn đã phối hợp nhịp nhàng với thanh đồng, hát truyền cảm, vũ điệu khoan thai, nhẹ nhàng”.