Bắc Giang: Chính quyền “bảo kê” cho doanh nghiệp xả thải?
- Pháp luật
- 14:35 - 09/07/2016
Hai cơ sở của Á Cường cùng nhau “bức tử” sông Cẩm Đàn
Xã Cẩm Đàn nằm dọc theo đường Quốc lộ 31 và sông Cẩm Đàn, là một nhánh quan trọng của dòng sông Lục Nam. Đã nhiều năm nay, người dân nơi đây không dám đụng đến nước sông, vì nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính theo người dân phản ánh là do Nhà máy luyện đồng Á Cường xả thải khi chưa xử lý.
Trong năm 2015, Báo LĐ&XH đã từng đăng loạt bài “Hành trình đi đến cái chết của sông Cẩm Đàn”, phản ánh về những hành vi nghiêm trọng của Nhà máy tuyển và luyện đồng Á Cường, bởi hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, khiến hệ sinh thái cũng như cuộc sống của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Nhà máy này có hai cơ sở đang hoạt động tại xã Cẩm Đàn, một cơ sở phân xưởng tuyển luyện đồng đóng tại thôn Đồng Bưa, và nhà máy chính nằm ở thôn Gốc Gạo. Hai cơ sở này cách nhau khoảng 3 cây số, và gần như là hai điểm tạo thành nút thắt bao vây con sông Cẩm Đàn.
Dòng chảy sông Cẩm Đàn bị ngăn lấp bởi bùn thải Cty Á Cường xả ra. Ảnh: Chu Lương
Điều đáng nói sự việc nằm ngay trục đường chính là Quốc lộ 31, chỉ cách UBND huyện Sơn Động khoảng 5km, và là con đường huyết mạch của huyện Sơn Động để giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh, có thể nhìn rõ mồn một bằng mắt thường việc con sông bị “bức tử” như thế nào.
Sau loạt bài của Báo LĐ&XH, UBND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Cty Á Cường, với số tiền là 210 triệu đồng về hành vi xả thải. Đồng thời buộc Cty Á Cường chấm dứt và khắc phục ngay vi phạm, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 xong trước ngày 30/7/2015.
Bộ trưởng vào cuộc và cái hẹn ngày 20/7
Ông Đinh Quang Hiệp, Trưởng Công an huyện Sơn Động cho biết: “Doanh nghiệp này đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính vì hành vi xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra suối Cẩm Đàn. Rất nhiều đoàn đã về đây kiểm tra và xử lý, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luât về bảo vệ môi trường...
Gần đây nhất, ngày 26/6/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang dẫn đầu phối hợp với Phòng PC49 Công an tỉnh; UBND huyện Sơn Động; UBND xã Cẩm Đàn đã tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty và phát hiện ra nước thải ra có chứa bùn và có màu đục sẫm không được xử lý theo quy định và xả thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn.
Đoàn đã yêu cầu Cty Á Cường phải dừng ngay hoạt động xả nước thải có chứa bùn thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định ra ngoài môi trường. Chỉ được phép xả nước thải ra ngoài môi trường sau khi có biện pháp thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép; đồng thời yêu cầu lập phương án, kế hoạch khắc phục tình trạng xử lý nước thải chưa được thu gom, xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường và biện pháp nạo vét bùn thải lắng đọng trên sông Cẩm Đàn do nước thải của Công ty gây ra về Sở TN&MT, UBND huyện Sơn Động, UBND xã Cẩm Đàn trước ngày 28/6/2016. Từ những thực tế trên, đặt ra câu hỏi phải chăng có sự chống lưng của ai đó trong việc làm sai trái của doanh nghiệp này?.
Bùn đen được xả ra sông Cẩm Đàn bởi Cty Á Cường.
Mới đây, 7/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có văn bản chỉ đạo khẩn, thanh tra toàn diện Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường trực tiếp xả thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn.
Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Giao Tổng cục Môi trường chủ trì với Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Cục Cảnh sát môi trường và Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về khoáng sản của Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng như phản ánh phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; áp dụng các biện pháp: Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép xả nước thải, bắt buộc khắc phục hậu quả. Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc này trước ngày 20/7/2016.