Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhân rộng nhiều mô hình giúp dân xóa nghèo bền vững
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 21/12/2015
Với phương châm giúp người nghèo có cái “cần câu” còn hơn cho “xâu cá”, trong những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (TT) đã mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt… để hỗ trợ giúp người dân có một nghề phù hợp vươn lên xóa nghèo và làm giàu. Lãnh đạo TT cho biết, trong 5 năm qua đã mở hàng trăm lớp dạy nghề thú y, tập huấn về kỹ thuật trồng hoa lan, trồng tre điền trúc, kết hạt cườm… thu hút hàng ngàn học viên, chủ yếu là lao động nông thôn tham gia nhiều mô hình sản xuất điểm, mô hình trình diễn trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi heo sinh sản, heo thịt…
Chăn nuôi heo sinh sản, heo thịt là một trong những mô hình thu hút nhiều học viên là lạo động nông thôn tham gia học các lớp tập huấn kỹ thuật và thực hiện mô hình
Ngoài ra, thực hiện đề án khuyến nông, hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người chăn nuôi dê, trồng rau an toàn đạt kết quả cao và được nhân rộng mô hình trên nhiều địa phương khác trong tỉnh. Qua khảo sát, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã có nhiều hộ vượt lên thoát nghèo, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi khác có thêm thu nhập ổn định. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau diếp cá ở huyện Xuyên Mộc là một ví dụ.
Cán bộ khuyến nông luôn nhiệt tình đến tận vùng sâu, vùng xa phổ biến kỹ thuật và hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng
Từ một hộ nghèo, gia đình ông Trần Hữu Dũng ở khu phố Phước Hòa, thị trấn Phước Bửu (Xuyên Mộc), sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, do TT tổ chức đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng 3 sào rau diếp cá, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đ, cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là mô hình đang được nhiều hộ nông dân ở Xuyên Mộc triển khai thực hiện đem lại hiệu quả rõ rệt trong những năm qua.
Trồng rau an toàn trong nhà lưới đang là mô hình được nhiều nông dân vùng chuyên canh trồng rau ở các huyện Xuyên Mộc và Tân Thành nhân rộng
Nhờ được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, phương pháp trồng rau an toàn mà xã Tân Hải, huyện Tân Thành nay đã trở thành vùng chuyên canh rau an toàn các loại, với diện tích trên 120 ha, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở nên khá giả. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình ở một số địa phương trong tỉnh cũng đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng, như trồng tre điền trúc lấy măng ở huyện Đất Đỏ, trồng hoa lan ở xã An Nhứt, huyện Long Điền…Hiện nay tại xã An Nhứt, huyện Long Điền đã thành lập Chi Hội hoa lan, do ông Trần Thanh Phương làm Chi Hội trưởng, thu hút rất nhiều hội viên tham gia, thu nhập hàng năm của hội viên được nâng cao, có không ít hộ thu lãi khoảng trên 100 triệu đ/năm
Mô hình nuôi các loại thủy sản nước ngọt trong ao và lồng bè đang là một trong những mô hình có tiềm năng, thế mạnh của nhiều địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu
Song song với hỗ trợ học nghề, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất quan tâm hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh. Điển hình như TP. Vũng Tàu, trong giai đoạn 2006 – 2010, đã có hang ngàn hộ nghèo được vay tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, giúp cho các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ. Nhờ đó, nhiều hộ ở TP. Vũng Tàu đã vươn lên thoát nghèo bền vững, đến cuối năm 2010 có 17/17 xã, phường giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.
Trồng lan đã và đang là một hướng phát triển kinh tế gia đình đem lại nguồn lợi cao, được nhiều nông dân ở huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc nhân rộng mô hình
Theo đánh giá của BCĐ giảm nghèo của TP. Vũng Tàu, trong 5 năm qua, Chương trình giảm nghèo đã đạt kết quả rất khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tại huyện Đất Đỏ cũng có hàng chục hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, với hàng chục mô hình hiệu quả như: Nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, trồng hoa lan, trồng cây ăn trái (mãng cầu, xoài, nhãn), trồng thuốc lá nguyên liệu… Với những nỗ lực tăng cường đẩy mạnh hỗ trợ về học nghề, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật đi đôi với hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, kinh doanh kể trên, Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tỉnh) từ 21,69% xuống còn dưới 2,35% (chuẩn mới), cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.