Bà Rịa - Vũng Tàu: Mô hình nuôi heo rừng lợi nhuận cao
- Dược liệu
- 12:48 - 19/04/2017
Tại huyện Xuyên Mộc hiện có hàng trăm trang trại, chủ yếu là các trang trại chăn nuôi bò, heo, gà trồng cây lâu năm, trong đó có không ít trang trại chăn nuôi heo rừng.
Sự ra đời và phát triển của các trang trai đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, với mức thu nhập ổn định.
Hầu hết các trang trại đều thực hiện quy trình khép kín, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển chăn nuôi trên mỗi đơn vị diện tích, với tổng thu nhập từ 100 triệu đồng – 5 tỷ đồng/ năm. Hiệu quả kinh tế từ các trang trại thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi của huyện bình quân hàng năm hơn 14%.
Nhiều chủ trang trại sau một vài năm đầu tư sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Gia đình ông Vũ Ngọc Quốc ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc là một trong những ví dụ điển hình. Năm 2005, sau khi thất bại với mô hình trồng các loại cây ăn quả, ông Quốc đã dành 2 ha đất để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng.
Hiện trang trại của ông có hàng trăm con heo thịt và heo nái, bình quân mỗi tháng ông cho xuất chuồng 2 lứa heo thịt bán ra thị trường, sản lượng khoảng 10 tấn.
Với giá heo rừng trên thị trường khoảng 120.000 đ/kg heo hơi, trừ mọi chi phí, ông thu lời hơn 300 triệu đồng/năm.
Nuôi heo rừng lợi nhuận cao là một mô hình đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo ông Quốc, nuôi heo rừng theo mô hình trang trại, người nuôi sẽ chủ động được khâu kiểm dịch phòng bệnh, có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi như áp dụng phương pháp tự lai giống, để cho ra giống phù hợp với từng môi trường điều kiện khí hậu, thức ăn để giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế.
Ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, hộ ông Lương Thế Minh là một trong những hộ đi tiên phong và thực hiện thành công mô hình chăn nuôi heo rừng.
Năm 2005, qua tìm hiểu trên sách báo và sau khi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo rừng do Hội Nông dân phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, ông đã mạnh dạn đầu tư mua 1 cặp heo rừng giống về nuôi thử nghiệm.
Sau một thời gian nuôi heo rừng phát triển tốt, ông Minh bắt đầu cho phối giống với heo nhà để cho ra đời những con heo rừng lai và tiếp tục nhân đàn. Đến nay trại heo rừng lai của ông Minh luôn duy trì khoảng 100 con lớn nhỏ, mỗi năm cho xuất chuồng nhiều đợt, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông còn có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ năm.
Học theo mô hình chăn nuôi heo rừng lai của ông Minh, hiện nay riêng tại ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đã có hàng chục hộ nuôi heo rừng, với tổng đàn hàng trăm con. Nhờ mô hình nuôi heo rừng đem lại lợi nhuận cao, mà nhiều hộ nông dân nơi đây không chỉ xóa nghèo mà còn đang vươn lên làm giàu.