THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:27

Bà Rịa - Vũng Tàu: Học nghề thiết thực, nông dân đổi đời

 Theo lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (TT) , những năm qua đã mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đan đát… để hỗ trợ giúp cho nông dân có một nghề phù hợp vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

 Trong khoảng 5 năm trở lại đây riêng TT đã mở hàng trăm lớp dạy nghề thú y, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo, bò sinh sản và vỗ béo, trồng tre điền trúc, đan giỏ nhựa…thu hút hàng ngàn học viên, chủ yếu là lao động nông thôn tham gia.

Từ kiến thức đã học được nhiều nông dân đã áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, hành nghề với nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điển hình như hộ anh Sử Hồng Chính, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, với mô hình trồng măng điền trúc cho măng trái vụ, thu nhập cao gấp 3 lần so với những hộ trồng cho măng chính vụ.

Hiện nay mỗi ngày vườn tre điền trúc của gia đình anh thu hoạch khoảng từ 60 kg – 70 kg măng tươi để bán ra thị trường địa phương, sau khi trừ mọi chi phí, thu về lợi nhuận từ 60 triệu đồng – 65 triệu đồng/năm.

Với mô hình trồng măng điền trúc cho ra măng trái vụ, gia đình anh Sử Hồng Chính thu về lợi nhuận 65 triệu đồng/ năm

Tại xã Láng Dài, huyện Châu Đức, chi Hội phu nữ ấp Liên Hiệp 2 có Tổ đan giỏ nhựa đã được thành lập và hoạt động hơn 10 năm nay, với hàng chục tổ viên là những phụ nữ trong vùng tham gia.            

Người khởi xướng dạy nghề đan giỏ nhựa, cho chị em phụ nữ trong vùng là chị Bùi Thị Ái ở ấp 68, vốn cũng là một phụ nữ nghèo nên đã quyết tâm học nghề thiết thực này để vươn lên tự cứu mình.

Hiện nay, Tổ phụ nữ đan giỏ của chị thu hút rất chị em đến học nghề và tạo việc làm tại chỗ, với thu nhập ổn định tử 4 triệu đồng – 5 triệu đồng/ người/ tháng cho rất đông phụ nữ địa phương.

 Ngoài ra, việc thực hiện đề án khuyến nông, hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người chăn nuôi dê, trồng rau an toàn đạt kết quả cao và được nhân rộng mô hình trên nhiều địa phương khác trong tỉnh.  

Qua khảo sát, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã có nhiều hộ vượt lên thoát nghèo, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi khác có thêm thu nhập ổn định.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau diếp cá ở huyện Xuyên Mộc là một ví dụ. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Trần Hữu Dũng ở khu phố Phước Hòa, thị trấn Phước Bửu (Xuyên Mộc), sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, do TT tổ chức đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng 3 sào rau diếp cá, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đ, cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.

 Đây là mô hình đang được nhiều hộ nông dân ở Xuyên Mộc triển khai thực hiện đem lại hiệu quả rõ rệt trong những năm qua. Nhờ được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, phương pháp trồng rau an toàn mà xã Tân Hải, huyện Tân Thành nay đã trở thành vùng chuyên canh rau an toàn các loại, với diện tích trên 120 ha, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở nên khá giả.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh