CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:47

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đa dạng cây trồng, nông dân thu nhập cao

 

Được biết, hiện nay nông dân tại các địa phương như: Tân Hải (huyện Tân Thành), Long Hương ( thị xã Bà Rịa), Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã có một cuộc sống khá hơn. Nhiều người cho biết, đó là nhờ chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng trồng rau, thu nhập được tăng cao đáng kể. Trung bình mỗi ha đất trồng rau mỗi năm thu hoạch 8 lứa, mỗi lứa khoảng 14 tấn rau, với gía bình quân 2.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí mỗi lứa thu về hơn 23 triệu đồng, mỗi năm thu lãi hơn 180 tr đ/ha. So với trồng lúa như trước đây, trồng rau thu nhập cao gấp từ 30 – 40 lần. Nhờ vậy mà nhiều hộ trồng rau đã không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có của để dành.  

Ở huyện Long Điền, nhiều năn qua, nhờ thay đổi phương thức canh tác, áp dụng mô hình luân canh lúa + dưa hấu trên chân ruộng đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.  Ông Phạm Văn Phúc, ở xã An Ngãi (Long Điền), áp dụng mô hình luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ dưa hấu trên cùng diện tích đất ruộng. Với mô hình này, mỗi năm gia đình ông Phúc đã có thu nhập gần 80 triệu đồng/ha, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trước đây.

Ngoài ra còn nhiều hộ nông dân đã triển khai áp dụng mô hình trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Mít nghệ, mận An Phước, mãn cầu ta cũng đạt thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Với vùng đất cát nhiều nắng gió và nóng, từ khi đưa cây thanh long ở Bình Thuận về trồng nhiều hộ dân của xã Bông Trang (Xuyên Mộc) đã thoát nghèo, đời sốn g được cải thiện nâng cao. Ông Nguyễn Đình Lưu, ở ấp Trang Định cho biết nhờ trồng thanh long mà mấy năm gần đây gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả. Hiện nay, gia đình ông Lưu trồng được 7 sào thanh long, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài việc lựa chọn đúng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, ông Lưu còn là người ham học hỏi, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng khác nhau để trồng xen canh nên đã tránh được rủi ro, đạt hiệu quả mong muốn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng , xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao là những cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Hướng đi này đã và đang tạo bước đột phá để xây dựng nông thôn mới trong tương lại. Anh Nguyễn Văn Nghị ở ấp 2, xã Bưng Riềng cho biết, trước đây với 8 ha vườn điều, gia đình anh thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/.năm. Từ 2005, khi xã phát động phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh chuyển sang trồng cao su, nay vươn cao su đã cho thu hoạch, với bình quân đạt trên 75 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với cây điều.

Mạnh dạn chuyển đổi và đa dạng cơ cấu cây trồng thu nhập cao hơn trồng lúa đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Những năm qua, UBND xã Bưng Riềng còn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai thí điểm trồng cà tím giống Nhật Bản cho nhiều hộ dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty Diên Hải (TP. Hồ Chí Minh) để xuất khẩu. Hiện nay, mô hình này đã được đông đảo nông dân hưởng ứng, vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với một số cây trồng khác, với thu nhập bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng/ ha/vụ 6 tháng. Trong thời gian tới, xã Bưng Riềng tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Có thể nói, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Thông qua đó, nhiều loại sản phẩm từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng và nhận bao tiêu như nhãn xuồng cơm vàng, mận An Phước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lâu dài cần xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất để nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin dự báo thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại để giúp nông dân định hướng sản xuất, tránh rủi ro../.    

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh