CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:59

Bà Mai Kiều Liên làm Chủ tịch 'công ty mẹ' Sữa Mộc Châu

Cùng với bà Liên còn ba nhân sự khác từ Vinamilk đã được bầu vào HĐQT GTN nhiệm kỳ mới 2020-2024 là Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng Lê Thành Liêm, Giám đốc phát triển vùng nguyên liệu Trịnh Quốc Dũng và ông Đỗ Lê Hùng, thành viên HĐQT độc lập.

Thành viên duy nhất từ HĐQT cũ của GTN là ông Nghiêm Văn Thắng. Ông Thắng là Phó chủ tịch nhiệm kỳ trước của GTNfoods, Chủ tịch HĐQT Vinatea và Mocchaumilk.

Bà Mai Kiều Liên làm Chủ tịch công ty mẹ Sữa Mộc Châu - Ảnh 1.

Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của GTN có 4 người mới từ Vinamilk. Ảnh: Minh Sơn

Là phiên họp thường niên đầu tiên có sự tham gia của những nhân sự chủ chốt từ Vinamilk, câu hỏi được các cổ đông GTN quan tâm nhất là định hướng phát triển cho doanh nghiệp này trong tương lai và đặc biệt là Sữa Mộc Châu.

Nói về quyết định đầu tư vào GTNFoods, ông Trịnh Quốc Dũng cho biết, GTN và Mocchaumilk sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng trong hệ thống ngành mà Vinamilk tham gia.

Sữa Mộc Châu có lợi thế về lịch sử phát triển ngành sữa, có cơ sở vật chất, điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò. Với sự tham gia sâu hơn của Vinamilk, công ty đặt mục tiêu tăng quy mô đàn bò hiện nay của Sữa Mộc Châu lên gấp đôi, khoảng 40.000-50.000 con. Đồng thời, hai bên sẽ kết hợp để tận dụng những điểm mạnh như hệ thống phân phối, nền tảng xuất khẩu.

Trước mắt, theo đánh giá của bà Mai Kiều Liên, công việc đầu tiên với Sữa Mộc Châu là đánh giá lại quỹ đất để xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao, có thể theo hướng sữa hữu cơ hoặc sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Dự kiến Sữa Mộc Châu sẽ đầu tư trang trại bò với quy mô 4.000 con, tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Việc tiếp theo là nâng cấp thiết bị tại nhà máy sữa để đáp ứng được công suất cao hơn. Hướng đi sẽ là đầu tư trước và khi có đầy đủ điều kiện sẽ xây dựng nhà máy mới để đảm bảo sự đồng bộ.

"Cũng như bước đi của Vinamilk, chúng ta sẽ đi từ thấp đến cao, không nhanh nhưng cũng không chậm, đảm bảo hiệu quả và thu hồi vốn đầu tư. Chúng ta không vẽ thật cao, không thùng rỗng kêu to. Chúng ta đã hứa gì với các cổ đông, các tỉnh, các địa phương thì phải làm được", bà Liên nói.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, GTNFoods đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.909 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 159 tỷ đồng, gấp gần 16 lần năm trước.

Mục tiêu tăng trưởng cao chủ yếu do lợi nhuận GTN đã giảm mạnh cuối năm 2019. Theo bà Cao Thị Hồng, Giám đốc chiến lược công ty, kết quả này là do việc tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh. GTN đã tiến hành thoái vốn tại các công ty không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và xử lý dự phòng với các khoản phải thu. Sau bước tái cấu trúc, cơ cấu của GTN thu gọn chỉ còn tập trung vào những công ty cốt lõi như Vinatea và Mocchaumilk.

Theo Minh Sơn/vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh