Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên với hành trình vượt khó của Vinamilk
- Huyệt vị
- 05:34 - 11/12/2015
Trong bài phát biểu của mình tại đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Mai Kiều Liên đã chia sẻ những bí quyết để Vinamilk lớn mạnh trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong chặng đường phát triển của mình, Vinamilk luôn chủ động tìm lối đi cho mình và liên tục đổi mới, sáng tạo, coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Đó là những câu chuyện mà ít ai biết phải khó khăn, vất vả như thế nào mới có được một Vinamilk như ngày hôm nay.
Bà Mai Kiều Liên
Năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột trẻ em và nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, công ty đã tiến hành phục hồi hành công nhà máy sữa Bột Dielac (nhà máy của tập đoàn Netstlé Thụy Sỹ trước ngày giải phóng để lại không hoạt động được do chủ nhà máy rút chạy mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ về nước) bằng các cán bộ kỹ thuật Việt Nam với kinh phí 200.000 USD, tiết kiệm cho nhà nước 2,4 triệu USD – một khoản ngoại tệ rất lớn lúc bấy giờ so với phương án của các công ty nước ngoài đề xuất phục hồi nhà máy trước đó với giá 2,7 đến 3 triệu USD, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm sữa bột các loại và bột dinh dưỡng có chất lượng cao cho trẻ em. Đây là công trình lớn đầu tiên có tính bước ngoặt của công ty về tính khoa học kỹ thuật. Hiện nay, nhà máy Dielac là một trong 2 nhà máy chủ lực sản xuất phục vụ xuất khẩu mặt hàng sữa bột.
Tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ
Thông qua nhiều con đường, từ năm 1990, Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.
Chủ động nguồn nguyên liệu và “Cuộc cách mạng trắng" ra đời
Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đang đứng trước một khó khăn lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài. Điều day dứt lớn nhất của ngành sữa chúng ta là chưa chủ động được 100% nguồn nguyên liệu. Tháo gỡ khó khăn này, hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất sữa, chủ trương này đã được lãnh đạo Vinamilk cụ thể hóa bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, thế là “cuộc cách mạng trắng” 1991 ra đời.
Sản phẩm sữa Vinamilk đang được tin dùng
Những năm đầu thập kỷ 1990, Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước. Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành cáctrang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015), cho sản lượing sữa 200.000 tấn/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng. Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, nhưng không có tiền mua, Vinamilk đã bảo lãnh cho vay vốn để mua. Tính nhân văn thể hiện ngay trong chiến lược phát triển.
Hệ quả là suốt quá trình đổi mới từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa 2003, với chiến lược đến với “nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua “Cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk đã chiếm thị phần trong nước 45%, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%. Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác. Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm , tăng gấp 2 lần so năm 2014.
Cổ phần hóa, thước đo của lòng quả cảm
Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao độ, tích hợp những kinh nghiệm, tinh hoa của thời kỳ đổi mới, Vinamilk đã thực hiện thành công mô hình cổ phần hóa từ năm 2003 và gặt hái những thành công có tính bước ngoặt.
Đa dạng sản phẩm của Vinamilk trên thị trường
Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; Lợi nhuận tăng 15%/năm; Nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỉ/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đó, Vinamilk luôn coi trọng và đi đầu trong việc cải tiến và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng. Vinamilk đi đầu trong phân khúc sữa tươi 100% và là nhãn hàng sữa tươi số 1 Việt Nam. Sữa bột Vinamilk dẫn đầu ở phân khúc bình dân với dòng sản phẩm Dielac và có những phát triển đột phá với dòng sản phẩm Optimum cho phân khúc cao cấp. Sữa chua Vinamilk đi đầu và phát triển đầy đủ các dòng sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi. Tiên phong trong việc đổi mới và cải tiến dòng sản phẩm Sữa Đặc có đường, Kem, Phô Mai và các thức uống có lợi cho sức khỏe. Vinamilk đã trở thành nhãn hàng phổ biến và được tin dùng số 1 Việt Nam.
Nhân lực – Yếu tố cơ bản phát triển nội lực
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và là sức mạnh cốt lõi, Vinamilk đã luôn đầu tư nâng cao chất lượng, trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên: thông qua các lớp huấn luyện trong và ngoài nước.Hiện Vinamilk là nơi công tác của hơn 5,000 CB-CNV. Tất cả thành viên của công ty làm việc dựa trên nguyên tắc: tôn trọng, bình đẳng, công bằng. Điều đó được minh chứng rõ nét khi Vinamilk là doanh nghiệp trong nước đứng đầu trong danh sách bình chọn 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.
Nguồn nhân lực dồi dào của Vinamilk
Tự chủ trong sản xuất, sáng tạo trong kinh doanh
Vinamilk cũng luôn tiên phong và đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất bằng việc hiện đại hóa hệ thống nhà máy, với việc đưa vào hoạt động hai (02) Siêu nhà máy sữa bột và sữa nước. Nhà máy sữa nước Việt Nam có công suất siêu lớn - hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại bậc nhất thế giới của Tetra Pak. Tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, đặc biệt là các robot LGV đều vận hành tự động, được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm cùng với kho thông minh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.
Nhà máy hiện đại của Vinamilk
Nhà máy sữa bột Việt Nam có công suất 54,000 tấn/năm, là một trong những nhà máy có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà máy đi vào hoạt động đã và đang giúp Vinamilk đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và còn đảm bảo khả năng phục vụ xuất khẩu đang tăng cao của Vinamilk trong những năm gần đây.
Tiếp tục gắn bó với nông dân
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất với sản lượng hàng trăm triệu lít sữa mỗi năm, Vinamilk đã và đang đầu tư một cách bài bản vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn cho bò đến quản lý thú y, môi trường xung quanh,…
Vinamilk luôn sát cánh cùng nông dân
Đến nay, Vinamilk đã có 9 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Ngoài ra Trang trại bò sữa Nghệ An cũng được Bộ NN & PTNT chứng nhận là trang trại xuất sắc nhất năm 2014. Trong năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại ở Hà Tĩnh , Thanh Hóa (2), Tây Ninh.
Trang trại bò sữa của Vinamilk
Ngoài ra, Vinamilk còn liên kết với hơn 7.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con trên cả nước, thu mua sản lượng bình quân khoảng 500 tấn sữa/ngày góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xây dựng một ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Vững chắc bước chân vào thị trường thế giới
Năm 2011 tại Newzealand, Vinamilk đã đầu tư vào nhà máy Miraka chuyên cung cấp nguyên liệu sữa chất lượng cao cho các sản phẩm của Vinamilk và xuất khẩu sang châu Âu.
Tại Mỹ, Vinamilk sở hữu 70% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood - một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại California và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học lớn nhất nước Mỹ.
Sản phẩm của Vinamilk được lòng người dân Matxcova tin dùng
Vinamilk đầu tư vào Ba Lan - Cửa ngõ giúp Vinamilk tiếp cận thị trường Châu Âu.
Đầu tư xây dựng nhà máy Angkor Milk tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ 51%.
Trong những năm gần đây, doanh số xuất khẩu của Vinamilk luôn đạt mức tăng trưởng mạnh trên 200 triệu USD/năm. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại hơn 31 quốc gia trên thế giới bao gồm khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và các nước khác.
Để có được thành quả hôm nay, theo bà Mai Kiều Liên, Vinamilk phải xây dựng, phát triển thương hiệu mà điều quan trọng hàng đầu là ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động đầu tư trang thiết bị tiên tiến thế hệ mới nhất hiện có. Những thành quả gặt hái được cho đến hôm nay đều gắn liền với sự cống hiến và trưởng thành của tập thể con người lao động Vinamilk, của khối óc đầy sáng tạo, quả cảm của lãnh đạo Vinamilk.
Những giải thưởng quan trọng Vinamilk đạt được
3 lần liên tiếp tự hào được vinh danh Thương hiệu quốc gia
Giải thưởng công nghệ thực phẩm toàn cầu cho sản phẩm sữa nước tại hội nghị khoa học và công nghệ thực phẩm năm 2014 tổ chức ở Montreal, Canada.
Liên tục 4 năm từ năm 2011 đến năm 2014, bà Mai Kiều Liên được vinh danh là một trong 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes Asia bình chọn.
Top 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất ASEAN năm 2014.
Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc xây dựng & phát triển thị trường chứng khoán 2015.