CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

“Bà hoả” rình rập chợ dân sinh

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 426 chợ. Trong đó có 160 chợ ở khu vực thành thị, 226 chợ ở khu vực nông thôn. Bình quân, mỗi quận nội thành có 10 chợ, mỗi huyện ngoại thành có 16 chợ. Tuy nhiên, diện tích và chất lượng chợ lại chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng diện tích chợ của Hà Nội khoảng 1.560.500 m2, bình quân 0,25 m2/người, bằng 50% so với bình quân cả nước.

Trong hơn 400 chợ, chỉ có 67 chợ xây dựng kiên cố, 213 chợ bán kiên cố, còn lại đều là chợ tạm. Diện tích không bảo đảm, cơ sở vật chất vừa thiếu vừa yếu, cùng với tâm lý lơ là chủ quan của người dân và cơ quan chức năng trong việc phòng chống cháy nổ, khiến các chợ dân sinh luôn tiềm ẩn xảy ra cháy nổ.

Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) là chợ dân sinh lớn nhất của Hà Nội với 2.300 sạp hàng, trong đó chiếm tới 70% là quầy kinh doanh bông vải sợi, giày dép là những mặt hàng rất rễ bắt lửa. Những ngày cuối năm lượng hàng hoá tập kết về chất đống chật cứng, người ra vào buôn bán đông đúc.

Hàng hoá tập kết nhiều, rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Chợ có bốn mặt tiền tiếp giáp với các tuyến phố: Hàng Đường, Hàng Khoai, Nguyễn Thiện Thuật và Cầu Đông, nhưng chỉ mặt tiền chợ phía Hàng Đường là thông thoáng, ba mặt còn lại đều bị chiếm dụng. Mặt tiền phố Hàng Khoai là một dãy hàng chục kiôt mái tôn để bán chợ đêm, trông xe ngày, mặt tiền phố Nguyễn Thiện Thuật là các gian hàng tôm cá tươi sống.

Còn  mặt tiền phố Cầu Đông bị bà con tiểu thương bày bán hàng ra hết vỉa hè. Thực tế này cho thấy nếu xảy ra sự cố cháy nổ, việc ứng cứu sẽ rất khó khăn. Đó là chưa kể hàng chục cột nước dùng để cứu hỏa, đặt dọc hành lang chợ, hầu hết đều bị hàng hóa lấn chiếm, che khuất.

Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tình trạng câu móc, đấu nối điện diễn ra tùy tiện; các dãy kinh doanh hàng ăn uống lại bố trí khá gần với các ki ốt kinh doanh quần áo ấm - vốn là vật liệu dễ cháy. Đáng lo hơn, các hộ kinh doanh này đều sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Khi quạt lò, tàn lửa bay tứ tung, bám vào những phần mái che, mái vẩy từ ki ốt này sang ki ốt khác, nguy cơ cháy rất cao.

Chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða), xây dựng đã lâu hiện xuống cấp, không gian chật hẹp, tối tăm, ẩm thấp, hệ thống điện thiếu an toàn. Vài năm trước, TP.Hà Nội có phương án đầu tư thành trung tâm thương mại, do vậy bà con tiểu thương kinh doanh trong tâm lý chờ đợi. Khoảng 800 kiốt kinh doanh ở đây vì thế cũng tạm bợ, chắp vá bằng vải bạt hoặc những miếng xốp, nguy cơ cháy nổ rất dễ xảy ra.

Tại chợ vải Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)-đầu mối cung cấp đồ may mặc lớn nhất miền Bắc, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cũng thiếu trầm trọng. Diện tích chợ lên tới 6.000m với gần 1.200 hộ kinh doanh và khoảng 700 sạp hàng buôn bán liền kề với khu vực của chợ, nhưng chỉ có 20 họng nước cứu hỏa, trong đó nhiều họng không có đường ống dẫn nước.

Còn tư tưởng chủ quan

Hiện, tại nhiều chợ ở Hà Nội, tiểu thương vẫn có thói quen thắp hương, nấu ăn ở nơi dễ bắt lửa, khi ra về không ngắt các thiết bị điện... Đây là những nguyên nhân dễ  xảy ra hỏa hoạn. Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn nhận định: Mùa khô là thời kỳ cao điểm về cháy nổ, độ ẩm trong không khí rất thấp, vật liệu khô nỏ, rất dễ bắt cháy, các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... phục vụ Tết Nguyên đán.

“Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng so với thời gian trước. Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn cháy nổ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản” - thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cảnh báo.

Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết: Có tới 57% vụ cháy xảy ra ở khu vực nội thành; 43% xảy ra ở ngoại thành.

Trong đó, cháy ở nhà dân chiếm 44% số vụ; cháy tại xưởng sản xuất chiếm khoảng 20%, còn lại tại các địa bàn khác... Có nhiều nguyên nhân gây ra cháy nổ trên địa bàn Hà Nội, trong đó  43% số vụ là có liên quan đến điện; 16% do sơ suất, bất cẩn, còn lại do các nguyên nhân khác như vận hành máy móc sai quy trình...

Khi xảy ra hỏa hoạn, việc chữa cháy của các lực lượng chuyên trách gặp nhiều khó khăn do đường vào chợ chật hẹp, giờ cao điểm ách tắc, các họng nước cứu hỏa ở nhiều chợ còn thiếu và yếu. Duy nhất chỉ có một số chợ kiên cố như chợ Đồng Xuân có bể dự trữ 600m3 nước và 118 họng nước cứu hỏa.

Các vụ cháy chợ xảy ra, nhưng công tác xử lý với những cá nhân, tổ chức vi phạm hiện còn ít, chế tài xử lý với các hộ kinh doanh bất cẩn trong công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có văn bản chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC tập trung lực lượng kiểm tra tất cả các chợ (đặc biệt các chợ lớn hạng 1, 2 hoạt động kinh doanh cả ngày) về công tác PCCC. Theo đó, những trường hợp không đảm bảo công tác PCCC, cần thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp đặc biệt, Hà Nội yêu cầu Sở Cảnh sát PCCC phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã đình chỉ hoạt động chợ để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư cải tạo sửa chữa nhằm đảm bảo công tác PCCC.

Minh Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh