Bá đạo, nhiều ông đồ quay bài trong lần sát hạch thứ 2
- Văn hóa - Giải trí
- 23:37 - 05/02/2015
Ngày 5/2, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức thi sát hạch ông đồ lần 2 nhằm chọn những ông đồ viết chữ đúng, đẹp vào hành nghề tại Hồ Văn dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức cuộc sát hạch phố ông đồ lần thứ 2, với sự góp mặt của gần 100 ông đồ
Cuộc sát hạch lần này gồm các thành viên các câu lạc bộ thư pháp ở Hà Nội. Trước đó, Trung tâm định không tổ chức thi sát hạch đối với các thành viên thuộc câu lạc bộ thư pháp mà do họ tự tiến cử. Tuy nhiên, lo ngại sự đánh giá không khách quan nên Ban tổ chức tiếp tục tổ chức kỳ thi sát hạch lần 2.
Từ 8h sáng, gần 100 ông đồ đến từ khắp các câu lạc bộ ở Hà Nội đã tụ họp ở sân Thái học, Văn Miếu Quốc Tử Giám để chuẩn bị bước vào kỳ thi. Ông đồ đủ mọi lứa tuổi, từ cụ già râu tóc bạc phơ cho đến những “anh đồ”, “chị đồ” tuổi đôi mươi đếu cắp bút nghiên ứng thí.
100 ông Đồ đang tranh tài
Ông Trần Quốc Chí, Phó chủ tịch câu lạc bộ thư pháp UNESCO Việt Nam, thành viên ban giám khảo công bố lý do và thể lệ của cuộc thi. Ông Chí cho biết, mục đích tổ chức cuộc thị nhằm xây dựng Văn Miếu trở thành điểm đến tin tưởng nhất của những người yêu thích thư pháp, người dân xin chữ đầu năm.
Cuộc thi gồm hai lĩnh vực thư pháp Hán – Nôm, thư pháp chữ Quốc ngữ. 50 đề thi chủ yếu xoay quanh chủ đề mùa xuân, đạo đức giáo dục, danh ngôn…Yêu cầu người thi trình bày chữ trên giấy xuyến chỉ trong vòng 15 phút sao cho như một bức tranh chữ, đúng từ điển, không tự chế chữ, đảm bảo giám khảo đọc được.
Đặc biệt, người viết không được xem từ điển, điện thoại tra từ dưới mọi hình thức và hỏi chữ người bên cạnh. Ai vi phạm sẽ bị đánh dấu xem xét huỷ bài thi. Ngay sau khi cuộc khảo thí được công bố quy chế đã vấp phải phản ứng của một số ông đồ từng viết chữ lâu năm ở Văn Miếu.
Ông Nguyễn Bá Quý, thành viên CLB Thư pháp Hương Nam băn khoăn vì chưa qua kỳ sát hạch nào. “Tôi đã viết thư pháp ở Văn Miếu trên 10 năm, giờ tổ chức thì thế này chúng tôi tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi đều đinh ninh rằng sẽ được vào viết, nhận thông báo đi thi ai cũng ngỡ ngàng. Tổ chức thi quá gấp, chúng tôi chưa kịp chuẩn bị. Nên chúng tôi để người thi được xem từ điển”, ông Quý nói.
Đại điện ban giám khảo giải thích rằng đề thi sẽ không đòi hỏi quá cao. Các ông đồ được vào câu lạc bộ đều được thẩm định, nhưng không thể đánh đồng "thâm niên là giỏi, học ít năm là dốt", cuộc khảo thí nhằm tạo sự công bằng cho phố ông đồ và cho cả người dân.
Bất chấp quy chế sát hạch, nhiều ông đồ thi viết Hán – Nôm vẫn giở từ điển, điện thoại để tra từ, hỏi người bên cạnh. 5 người giám thị liên tục nhắc nhở nhưng các ông đồ này vẫn tái diễn, buộc giám thị phải đánh dấu một vết mực tàu lên góc bài thi.
Những bài thi phạm quy bị đánh dấu bằng mực tàu ở góc bài thi
Nhà thư pháp Lê Quốc Việt, thành viên ban giám khảo chấm Hán – Nôm đồng thời làm giám thị phòng thi liên tục lắc đầu ngao ngán. Ông Việt nhắc nhở người viết: “Các bác ôn luyện, viết cả chục năm rồi sao bây giờ còn phải xem lại”.
Ông Việt cho hay, đề thi thường có từ 1 đến 2 chữ ít dùng để kiểm tra vốn từ của người thi. Ông đồ hiểu chữ mới có thể giải thích đúng, cặn kẽ cho người xin được. Cầm bút lông đánh dấu lên bài thi, ông Việt chua chát nói: “Thật đáng buồn”.
Các ông đồ phải trình bày một tác phẩm thư pháp gồm 4-5 chữ Hán - Nôm hoặc Quốc ngữ trong 15 phút. Tiêu chí đặt ra là viết đúng chữ theo từ điển, đúng quy cách thư pháp (bố cục, đường nét, trình tự con chữ…)
Đến 12h30, cuộc sát hạch ông đồ mới kết thúc, hầu hết người thi đều ở lại xem kết quả, một số người viết chưa tốt buồn bã ra về. Trước đó, trong đợt 1 (tổ chức vào sáng 31/1), gần 50 ông đồ từ các tỉnh thành phía Bắc về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để tham gia kỳ sát hạch nhằm tuyển chọn người vào viết chữ trong Hồ Văn dịp Tết Ất Mùi. Kết quả công bố với 70% số ông đồ thi trượt.