Lời ru buồn chốn non sâu
- Y học 360
- 04:35 - 15/05/2016
Trẻ con đẻ trẻ con
Cũng bởi ở cái tuổi ăn chưa biết no, lo chưa tới đã buộc phải lập gia đình, nên những hệ lụy cũng nảy sinh từ đó. Báo cáo còn nóng hổi của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kon Rẫy cho thấy, đến tháng 4/2016, trên địa bàn huyện có gần 30 trường hợp lập gia đình ở tuổi thiếu niên (hầu hết là 15 tuổi, chủ yếu ở xã Đắc Côi và Đắc Tơ Lung, Đắc Tơ Re). Theo nhiều nguồn tin, đây là số được đưa vào diện quản lý, giám sát, nhưng thực tế còn vượt xa con số ấy.
Cán bộ dân số tuyên truyền, vận động không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Đưa cái nhìn buồn rười rượi về phía rừng già, Nguyễn Thị Giang (sinh năm 1999), ở làng Kon Keng, xã Đắc Tơ Lung thổn thức: "Thấy bạn bè nô nức đi lấy chồng, mình ở nhà không yên được. Người lớn cũng không cấm cản. Lấy chồng một thời gian, tự nhiên thấy bụng to dần lên mới biết mình có thai. Đứa trẻ sinh ra nhỏ thó, cứ khóc ngằn ngặt”. Lời thổn thức của Giang cũng chẳng khác nhiều đứa trẻ làm mẹ ở Đắc Tơ Lung. Đã nhiều ngày trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái đêm u ám ở nhà Y Liễu (làng Kon Keng). Cha Y Liễu ngồi nhả khói thuốc liên tục vào vách tường gỗ đã loang lổ màu mục nát. Với nhiều nỗi niềm mà chính bản thân ông cũng không lý giải được khi con mình chưa thạo mặt chữ, vừa bước qua tuổi 14 ông đã gả cho con trai làng bên là A Sơn. Đã làm cha, nhưng Sơn vẫn còn hồn nhiên với những trò chơi trẻ nhỏ. Em bảo, kiếm được gì ăn cái đó thôi, đứa con mình cũng vậy. Cho ăn rau rừng, củ mỳ cũng có sao đâu. Thấy còn nhỏ quá mà đã làm cha cũng là lạ cái bụng, khó tả lắm nhưng không biết rõ khó tả vì điều gì. Bởi ở vùng đất này, con gái 15 tuổi, phổng phao lên là cưới chồng, chuyện thường rồi. Con trai cũng vậy mà.
Trẻ em ở Đắc Tơ Re qua tuổi nhi đồng đã vô tư lập gia đình nên kéo theo nhiều hệ lụy buồn.
Hôm ấy, ngay cạnh nhà Y Liễu, gia đình Y Xuyên đang nô nức làm những tấm hình kỳ quặc để chuẩn bị cúng Yàng, để cưới chồng cho Y Xuyên trong sự ngơ ngác của chính em. Ngày nhận thông báo của trạm y tế xã chuẩn bị sinh con, Y Xuyên càng ngơ ngác hơn, vì mới tròn 15 tuổi. Nhắc đến chuyện này, ông Y Thanh, người già nhất làng Kon Keng trầm ngâm: “Có đám cưới là mừng, là ăn uống linh đình rồi sau đó mọi chuyện mới tính sau. Thế nên trẻ con cứ thích là lấy nhau thôi. Từ ngày sinh con, Y Liễu gầy rộc và ít khi muốn ra ngoài, dỗ con cũng chẳng thạo nữa”. Ở xã Đắc Tơ Re, nhiều đứa trẻ cũng hồn nhiên làm cha mẹ. Em Cao Hà (sinh năm 2000) ở thôn 11 đang háo hức đến trường bỗng thích lấy chồng nên bỏ ngang. Giờ vừa ôm con vừa ngậm ngùi tiếc nuối. Hà giấu cái nhìn buồn tủi sau vạt áo, bảo: “Ở đây nhiều người thế lắm. Nên em bắt chước theo”.
Thầy Trần Thanh Toàn, giáo viên cắm bản ở Đắc Tơ Re bảo: Buồn lắm. “Ở đây nhiều gia đình còn vô tư ngâm nga rằng: Không đâu bằng gái Đắc Tơ Re/Mười ba, mười bốn bắt đôi chung tình/ Đói no một kiếp ba sinh”... Bởi sự vô tư này nên nhiều hệ lụy buồn đã kéo theo.
Không thay đổi nhận thức sẽ vẫn luẩn quẩn trong đói nghèo và nheo nhóc.
Luẩn quẩn trong đói nghèo
Chính vì làm cha, làm mẹ tuổi thiếu niên nên sinh ra nhiều câu chuyện buồn. A Sơn bộc bạch: "Đêm tân hôn uống rượu say nôn hết ra nhà nên không làm gì cả. Mãi hai hôm sau mới tỉnh rượu hoàn toàn. Có vợ là được uống rượu li bì nên thích lắm, lúc đó thích uống rượu hơn vợ nhưng mà mấy tháng sau vợ vẫn có bầu rồi đấy”. Sau khi cưới vợ, gánh nặng gia đình cùng việc sinh con đẻ cái đè nặng lên đôi vợ chồng trẻ con khiến cho A Sơn chìm sâu vào sự chán nản. Sơn bảo: Có hôm có củ mỳ với ít bắp phải để nấu cháo cho con ăn. Biết như vậy cứ đi làm rẫy mấy năm nữa có lúa chất đầy nhà, mỳ chất đầy sân rồi mới lấy vợ.
Cũng bởi tư tưởng trẻ con đã lập gia đình nên cái đói, cái nghèo như vòng kim cô quấn lấy những gia đình nơi vùng non sâu này. Y Xuyên tâm sự: Trước khi sinh con em còn đi chơi cùng bạn bè cùng trang lứa, thích lắm. Nhà em nghèo, chẳng có gì cả đâu. Lúc cưới chồng xong càng nghèo hơn. Vợ chồng em quanh quẩn sinh con nên không làm được gì cả. Lúc đám cưới sắm các lễ vật đã hết rồi. Có những hôm phải ăn rau rừng thay cơm đấy. Cứ đẻ vậy thôi chứ nào đã biết gì lắm về sức khỏe hay sinh sản đâu. Con cái nheo nhóc nên vợ chồng hay cãi nhau. Không chỉ luẩn quẩn trong đói nghèo mà nhiều đứa trẻ chậm phát triển do cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ. Đến giờ này, đối diện với những nhọc nhằn, khó khăn, Y Xuyên mới láng máng sự tiếc nuối: Biết vậy em không lấy chồng khi chưa lớn nữa. Cuộc sống giờ thật ngột ngạt, gạo, ngô, khoai đều hết sạch. Con thì hay ốm đau, các y tá xã bảo do sinh thiếu tháng, cơ thể người mẹ chưa trưởng thành hết.
Giải pháp “mưa dầm thấm lâu”
Già làng Y Chung, ở Đắc Tơ Lung cho biết: Thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ của những người dân nơi đây rồi nên muốn tuyên truyền phải từ từ, không làm gấp gáp được. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đắc Tơ Lung cho rằng, chính việc tảo hôn đã gây ra nhiều hệ lụy buồn, kéo giảm chất lượng sống và làm cho người dân chìm sâu trong cuộc sống đói nghèo. Những đứa trẻ chưa phát triển đã sinh con nên các cháu bé đều suy dinh dưỡng. Các hộ dân ở Kon Rẫy, nhất là vùng sâu, vùng xa cần thấu hiểu điều này. Trạm y tế cũng thường xuyên đến tuyên truyền cho bà con.
Các bậc cha mẹ cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lập gia đình cho con em mình. Phải trên 18 tuổi thì phụ nữ mới đủ điều kiện để sinh đẻ và đàn ông mới đủ nhận thức và lo lắng về cuộc sống gia đình. Các trường học, ngay từ đầu cấp 2 cũng cần tăng cường tuyên truyền, quản lý để các em không bỏ học sớm và yêu đương, quan hệ tình dục sớm. Vì chính việc không đến trường và yêu đương sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Lãnh đạo xã Đắc Tơ Lung đưa ra giải pháp, cùng với việc tuyên truyền trực tiếp, đánh trực diện vào nhận thức của các hộ dân, các cấp chính quyền huyện cần sớm cung cấp tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc về hôn nhân, gia đình và ngăn ngừa tảo hôn. Phối hợp nhiều biện pháp liên tục như vậy thì may ra mới chuyển biến được tình hình.
Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 498/QĐ-TTg về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Đề án này tập trung triển khai ở các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Mục tiêu chung của đề án là: Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các địa phương cần thực hiện một cách quyết liệt. |