CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:56

Tục đi Sim thời @

 

Đi Sim truyền thống và những ca khúc thánh thiện.

Một tập tục thiêng liêng

Dải Trường Sơn hùng vĩ, đoạn “đâm xuyên” qua huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị chợt mướt mát và hiền hòa đến khác biệt. Chính do sự hiền hòa và mướt mát này đã là nơi để đồng bào các dân tộc trong đó lớn nhất là người Pa Cô, Vân Kiều náu chân lại trong hành trình mưu sinh của mình. Bản làng được dựng lên, như cây đót, cây giang ấm bụi, người đông dần, nhà đông dần và đã sản sinh ra một nền văn hóa mang đặc thù của dân tộc.Trong hàng chục các tập tục văn hóa, có cái riêng, cái kế thừa của dân tộc khác thì đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nơi đây đã ghi đậm một dấu ấn văn hóa ấy là tục Đi Sim của mình. Tình yêu con người quả là linh thiêng, tình yêu đôi lứa lúc nào cũng lay động lòng người. Giống như các dân tộc phía Tây và Đông Bắc Tổ quốc, để “nhóm lửa” cho tình yêu đôi lứa trong đời sống của mình, người Pa Cô, Vân Kiều có tục Đi Sim.

Đi Sim - Đi tìm người yêu, đi tìm hiểu xem có hợp nhau không để đưa về lấy làm vợ, làm chồng của người Pa Cô, Vân Kiều được tổ chức thường xuyên vào các mùa lễ hội. Nhưng lớn nhất, đông nhất và thiêng liêng nhất ấy là vào mùa lễ hội Puh Boh. Đây là lễ hội được tổ chức vào mùa rẫy trong năm của người dân. Trai, gái đến tuổi trưởng thành đều mong ngóng đến mùa lễ này để mà có cớ, có thời gian đi tìm vợ, tìm chồng cho mình.

Nguyên thủy của mùa lễ Puh Boh được tổ chức tại các chòi rẫy trong bản. Vào ngày trọng đại này, già bản là người thay mặt bản làng mình kính cẩn tấu dâng lên tại các rẫy, kính cáo với thần sứ có tên Kniéq về sự bận rộn và quấy quả của con người trong các mùa rẫy. Mong với sự vị tha của ngài mà hãy yên lòng và nguôi giận để cho người dân những mùa bội thu cùng sự no đủ. Để cho trai, gái được đến với nhau...

Sau khi tấu dâng và kính cáo bài cúng của mình, theo thông lệ, bản làng sẽ chọn những người con gái đẹp của gia đình mình ra ở hẳn các chòi ngoài rẫy để trông coi hoa màu. Tập tục phát sinh từ đây, những con trai trưởng thành biết vào mùa lễ Puh Boh này ngoài rẫy có nhiều con gái đẹp nên họ đã tìm đến để trao những câu hát, tìm hiểu, để lấy vợ cho mình. Tục Đi Sim trở thành một nét văn hóa riêng biệt, trở thành cái cớ để các thanh niên Pa Cô, Vân Kiều lên rẫy tìm vợ.

“Vết cứa” của đại ngàn

Đấy là những thánh thiện, trong trẻo ngày xưa của tục Đi Sim. Ngày nay, tìm lên các xã của huyện Đakrông, cùng với sự vận hành, thay đổi chóng mặt của các bản làng, người ta lại thấy thảng thốt và quặn lòng bởi sự mai một và “cơ chế hóa” của Sim. Không còn phải chờ đến các mùa lễ hội, không còn phải chờ đến hội Puh Boh kia nữa, Sim đã được diễn ra quanh năm. Và buồn thay, Đi Sim ngày nay của không ít các thanh niên Pa Cô, Vân Kiều thời hiện đại đã được họ thực hiện tại các quán nhậu, các quán cà phê, Karaoke được dựng lên ở đầu xã, đầu bản. Sau mỗi hoan khúc Sim hết sức hiện đại ấy là nỗi buồn lo đến day dứt của các thiếu nữ, những đứa con không cha.

Trở thành thiếu phụ và đứa con không cha sau những lần hoan lạc của “Đi Sim” thời hiện đại.

Tôi lên Đakrông chưa vào mùa Đi Sim theo tập tục. Sau một chầu rượu lai rai với đám thanh niên đang kỳ vỡ giọng mà tôi đã cất công làm quen lúc ban trưa, mặt trời gác núi, bóng tối loang dần, một cậu nhanh nhẹn nhất trong đám không nề hà “gà” tôi: Anh có Đi Sim không. Đi để xem con gái trong đây khác gái ngoài nớ thế nào! Đột ngột về một câu rủ hơi trái lệ này, tôi bảo đã đến mùa Đi Sim đâu thì cậu trẻ kia bẽn lẽn: Thanh niên miềng (mình) trong này giờ khác rồi. Không cần chờ đến mùa rẫy đâu, tối nào mà chả “Đi Sim”. Miềng giờ Đi Sim tìm bạn gái cũng chẳng cần cất công lên rẫy nữa. Cứ rủ họ vào quán nhậu, quán cà phê mà “Đi Sim” cùng những bài hát chạy trên màn hình cái tivi ấy. Con gái trên này giờ đây cũng “kết” cái kiểu “Đi Sim” này.

Từ chối đêm Đi Sim theo kiểu “hiện đại và khám phá” này, tôi cất công đi tìm những nỗi buồn gieo lại sau mỗi đêm “hoan Sim”. Cái gì trái với quy luật, trái với văn hóa truyền thống thì đều để lại những ẩn họa buồn cả.

Trong các xã của huyện Đakrông mà tôi đã tìm vào như các bản: Vực Lang, A Đăng, A Liêng, A Pum... đâu đâu cũng thấy những giọt nước mắt ngắn dài của các thiếu phụ trẻ tuổi và những đứa con không rõ cha mình trong những đêm hoan lạc của tục Đi Sim đang bị biến thể này. Chị Hồ Thị Nhung ở bản Tà Rụt 2, xã Tà Rụt xót xa nhỏ lệ khi được hỏi về những người mẹ trẻ đang đớn đau về những lần “Đi Sim” theo kiểu hiện đại này. Chị Nhung bảo: Nỏ biết tụi trẻ giờ nghĩ răng mà chúng lại không chọn mùa rẫy để Đi Sim. Toàn rủ nhau ra quán thôi. Thế là có con, con không có bố, xấu hổ và khổ lắm. Nhưng những đứa con gái tiếp theo cũng chẳng biết chuyện này. Thanh niên nó rủ, lại đi, lại khổ. Càng ngày càng có nhiều con gái ở đây khổ như rứa!

Trong hàng chục người mẹ trẻ sớm gác vui vẻ sang bên để gánh lấy những buồn phiền trong những lần “Đi Sim” ở quán cà phê, quán hát Karaoke và cả quán nhậu nữa, ám ảnh tôi nhất là người mẹ có tên Hồ Thị A Giữa xã Tà Rụt, nhà của Hồ Thị A trông tiều tụy như một cái lều canh rẫy đã qua nhiều mùa. Giữa lúc bạn bè cùng lứa đang vui vẻ, nhẩy chân sáo để đi nương, đi rẫy, để chờ mùa lễ Puh Boh trong năm thì Hồ Thị A đang thất thần bên bếp củi leo lét và đứa con nhỏ.

Trò chuyện, A cho biết, cô có đứa con này trong một lần cùng mấy đứa bạn sang xã khác chơi và được tụi thanh niên bên ấy rủ “Đi Sim” trong một quán Karaoke. Thú thực, tới nay A cũng không biết bố của con mình là ai. Vì A bảo, sau lần “Đi Sim” theo cái kiểu hiện đại ấy, A đã “nghiện” và đã đi nhiều lần nữa. Trong tiếng nhạc, trong men rượu bia, không kiềm chế được, A đã cho tụi thanh niên làm cái “chuyện ấy”. Và tự dưng thấy cái bụng cứ to ra. Chả biết của ai, đã chót, đã có con rồi đành phải để thôi. Giờ thấy xấu hổ lắm, thấy nghèo khó lắm nhưng không biết làm thế nào nữa.

Dọc những con đường thông thốc gió, san sát các quán nhậu, quán cà phê dựng lên bên những con đường mới mở, câu hát Đi Sim ở đây đã trở nên lỗi nhịp. Để sau sự lỗi nhịp, bản làng lại thêm những thiếu phụ không chồng, những đứa trẻ không bố. Những cái tên như Hồ Thị Bẹp, Hồ Thị Biếc, Hồ Xuân Thao... mà tôi ghi vào cuốn sổ tay đang như vết cứa vào sự sầu não, cô quạnh của xóm làng.

Xa ngái một phục hưng!

Nói về thực trạng đáng lo này, Kray Sức, một cán bộ ở đây cho biết: Ngày xưa, thanh niên nam, nữ người Pa Cô, Vân Kiều mình tìm vợ, tìm chồng chỉ chờ vào mùa Đi Sim ở rẫy. Muốn có vợ, phải chân trần ra rẫy, tìm các cô gái để làm quen. Mà muốn làm quen, muốn họ yêu mình để chọn mình làm chồng thì phải biết hát các bài hát của dân tộc mình. Hát đi hát lại, tìm đến rồi về, trăng lên rồi trăng lặn, có khi từ mùa rẫy này sang mùa rẫy khác, đến khi nào con gái ưng ý mới đánh tiếng đưa cha mẹ đến nhà để hỏi. Tụi thanh niên nhiều bản bây giờ không cần lên rẫy, không cần mùa, chúng chỉ tìm và rủ nhau vào các quán để mà “Đi Sim” thôi. Trong một thời gian ngắn, các xã đã có không ít những đứa con gái có con mà không có chồng đấy. Mình lo lắm, đang kết hợp với thanh niên xã để tuyên truyền vấn đề này. Đem cả gương một số người ra để bảo đấy nhưng không biết chúng nó có nghe ra không. Chưa có cuộc thống kê đầy đủ và chi tiết về thực trạng đáng lo ngại cho cái chuyện “Đi Sim” thời hiện đại này. Nhưng với con số thống kê sơ sơ ở 6 xã, bản hiện có của Đakrông thì đã có gần 20 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ. Phần lớn những đứa trẻ này là sản phẩm của những lần “Đi Sim” của các cô gái trẻ với bạn trai ở quán nhậu hay quán cà phê, Karaoke.

Trên con đường lầm bụi trở ra lộ lớn, vẳng trong đêm vắng là những câu từ ngượng nghịu và lạc lõng của một toán trẻ nào đó đang khẩn khoản cất lên từ một quán cà phê. Tôi lại nhớ về câu hát của Đi Sim truyền thống mà Kray Sức đã hát tặng:  “Muốn có em về nhà. Muốn cả hai chân ta bước lên cầu thang. Muốn có hai cái tay để đun lửa. Muốn có những đứa con để mình cùng nuôi...”. Ôi, xa vắng, buồn và lo lắng làm sao với những điệu Đi Sim truyền thống trước thực trạng “Đi Sim” của tụi trẻ ngày nay!

PHÚ MINH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh