CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:06

Thượng ngàn có... một nỗi đau!

 

Vì sự phạt vạ lạ lùng mà nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã không dám tố cáo người gây tội cho mình.

“Chung thân” không cáo trạng!

Từ trung tâm huyện K’Bang để dẫn vào xã K’Lơng Kơng (Gia Lai) là con đường xa hút, gập ghềnh và đỏ màu bụi. Cái nắng, cái bụi dường như là “người bộ hành miệt mài” với tôi trên suốt quãng đường. Thế nhưng những khó khăn đó vẫn không vất vả bằng việc đi vào làng M’Tôn, để gặp người phụ nữ của tột cùng những đau khổ có tên là Đinh Thị Ganh.

Làng M’Tôn còn nhiều khó khăn với những ngôi nhà lúp xúp, liêu xiêu. Quanh quất mãi chúng tôi mới gặp được Chị Đinh Thị Thu đang lui cui với chảo cám lợn mé trái nhà. Lên tiếng hỏi Ganh, thì chị Thu thở dài bảo: Nó lâu lắm không về bản rồi. Xấu hổ, nợ nần nên cứ chạy trốn mãi. Chưa chết và không dám chết nên mới khổ vậy thôi. Để tìm được Ganh, chúng tôi tiếp tục phải vượt núi, tìm vào chiếc rẫy - nơi náu thân của chị. Ganh già hơn cái tuổi 28 của mình. Khi được hỏi chuyện, Ganh lại khóc. Hơn 1 năm gặp bi kịch của cuộc đời, trên khóe mắt Ganh hình như không bao giờ cạn nước mắt. Thân xác Ganh gầy tọp, có lẽ buồn tủi đã vắt thân thể để biến cô thành... nước mắt.

Trước đây, Ganh là cô gái xinh có tiếng ở làng. Tuổi dựng vợ gả chồng đến, Ganh đã nên duyên với người con trai hiền lành nhất bản. Thấm thoắt thoi đưa, nay Ganh đã có 4 đứa con với người chồng ấy. “Ngày xấu trời” bắt đầu đến với Ganh từ tháng 6/2013.

Hôm ấy, giữa Hạ, trăng sáng và đẹp lắm. Nhân ngày tốt, làng có đám cưới nên Ganh đã đến giúp việc và ăn cơm chia vui. Do cả ngày làm lụng mệt nhọc nên Ganh về nhà trước chồng, con. Đám cưới vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ uống rượu là cái không tránh khỏi. Tuy không say nhưng do mệt và do men rượu nên Ganh lên giường và thiếp đi. Đang trong cơn thiêm thiếp, Ganh thấy có ai đó sờ soạng... mình. Tưởng chồng về, Ganh cất tiếng hỏi, nhưng không thấy trả lời. Nghĩ là chồng mình nên Ganh... ngủ thiếp đi.

Nhưng Ganh không ngủ được vì người đang gần mình có những biểu hiện khác lạ. Ganh tỉnh giấc và ngó mặt. Trong ánh trăng sáng, lúc này Ganh mới nhận ra người đang gần mình không phải là... chồng mà đó là Hoàng Văn Quân, cậu hàng xóm kém mình đến cả chục tuổi. Ganh tức giận, đẩy Quân ra và kêu mọi người đến cứu. Để giữ lại nhân phẩm và minh oan cho mình, cực chẳng đã, Ganh phải tìm lên chính quyền khai báo hành vi của Quân. Hoàng Văn Quân bị bắt ngay sau đó và thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình.

Nhưng theo tập tục người Ba Na của Ganh, như thế chưa phải là hết tội. Theo người Ba Na, bất cứ người đàn bà nào quan hệ ngoài luồng thì đều phải phạt vạ. Họ phải lo cúng tế cho làng để làng cúng Giàng không thì cả làng sẽ gặp tai họa.

Trước luật tục này, một người phụ nữ nghèo lại bị xâm hại như Ganh đều phải cúi đầu chấp nhận. Ganh phải nộp cho làng một con lợn 70kg, một con gà, một ché rượu cần và một cái nồi lớn. Trong ngày cúng tế, dù buốt ruột buốt gan vì chuyện tội chồng tội này nhưng Ganh vẫn phải cười, phải cùng chồng và những đứa con giúp làng lo cỗ cúng tế.

Làng phạt xong, lại đến lễ nộp phạt cho gia đình nhà chồng. Gia đình chồng không muốn nhưng vẫn phải thực hiện vì luật tục đã quy định. Vì thương con dâu nên gia đình nhà chồng chỉ lấy lễ vật bằng một con lợn nhỏ, một con gà, một ché rượu và một cái áo. Ganh và chồng lại “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm” để lo cỗ cúng đãi làng. Ganh bảo số cô vẫn còn “may” vì nhà nghèo nên làng mới bắt nộp như thế. Nếu có kinh tế, làng sẽ đòi “ăn trâu”, “ăn bò”, nợ nần như vậy sẽ chồng chất hơn.

Ganh cho biết, hai đợt “nộp vạ” này, Ganh và chồng đã phải vay mượn đến cả 7 triệu đồng để sắm lễ vật. Vốn nhà nghèo, lại đông con nên hiện nay người phụ nữ vừa bị xâm hại, vừa bị phạt vạ đến 2 lần này đã ngày đêm quay quắt và lo nghĩ đến nợ nần. Ganh cho biết, nhà chỉ có miếng rẫy trong núi. Năm chăm chỉ, cây mùa gối vụ may ra chỉ đủ ăn. Không biết lấy cái gì để trả nợ nữa đây?!

Đinh Thị Ganh kể về nỗi khổ của mình.

Nạn nhân và tập tục

Đi tới nhiều bản làng người Ba Na, Gia Rai, K’Ho để tâm tìm hiểu chúng tôi đã gặp nhiều mảnh đời của những phụ nữ bị xâm hại và bị làng, nhà chồng phạt vạ như trên. Ngoài thân phận chị Ganh, ám ảnh tôi còn là lần tìm vào gặp nạn nhân của tập tục có tên T ở huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Mùa rẫy, chị T vào chòi canh lúa. Nửa đêm, chị bị gã tội đồ có tên Phan Văn Nhung mò sang giở trò đồi bại sau khi đi uống rượu về.

Chị T ra sức chống cự và kêu cứu nhưng do rẫy xa nhà nên đã bị Nhung đe dọa và xâm hại. Lại như chị Ganh, để lấy công bằng cho mình, chị T cũng đã ra xã trình báo. Kẻ phạm tội bị bắt và chị cũng không thoát khỏi cái tội đánh mất danh dự của làng và của gia đình nhà chồng. Tội chồng tội, giờ chị T cũng đang vướng mắc nợ nần từ những đợt nộp phạt này.

Khổ nhất trong cái họa phạt vạ của những người phụ nữ bị hiếp dâm này phải kể đến gia đình chị Rơ Mah Yên, dân tộc Jrai ở làng Lang, xã Ia Tor, huyện Ia Grai (Gia Lai). Người giở trò đồi bại với đứa con gái của chị không ai khác ngoài đứa con trai có tên Rơ Mah Sơng, sinh năm 1997. Hai lần xâm hại và thực hiện hành vi bỉ ổi với em gái mình, để đỡ hậu họa với đứa con trai bất trị, chị nuốt nước mắt vào trong và đi tố cáo nó. Thằng anh bị bắt, bị tòa xử 5 năm tù nhưng đổi lại chị cũng phải căng xác ra để nộp vạ cho làng và gia đình nhà chồng vì tội để đứa con gái làm ô uế bản làng.

Theo tập tục của người Ba Na, Gia Rai, và K’Ho thì nguyên nghĩa của tập tục này chỉ dùng phạt những người phụ nữ, nam giới ngoại tình chứ chưa có hình phạt nào được áp dụng cho phụ nữ bị xâm hại thể xác. Nhưng hiện nay, tập tục này đang bị lạm dụng và đáng thương nhất là những thiếu nữ và phụ nữ bị xâm hại và bị hiếp dâm. Anh Nguyễn Đình Quân, Trưởng công an xã K’Lơng Kơng thì: Hủ tục và sự lạm dụng hủ tục này với người phụ nữ bị xâm hại đang có dấu hiệu tăng tiến. Sự chia sẻ, cảm thông và cứu giúp không có nên đã biến rất nhiều người phụ nữ nạn nhân thành kẻ nợ nần. Chúng tôi cũng đã ra sức tuyên truyền cho đồng bào nhưng nhận thức của họ vẫn không thuyên chuyển.

Theo anh Trần Quang Hồng, một cán bộ Tuyên giáo huyện Ia Grai (Gia Lai) thì do nhận thức còn hạn chế của đồng bào nên hủ tục này đã bần cùng hóa rất nhiều phụ nữ gặp những tình cảnh trớ trêu trên. Vì sợ phạt vạ nên đã có rất nhiều phụ nữ bị hiếp dâm nhưng không dám tố cáo với chính quyền. Vì vậy những kẻ giở trò đồi bại trên đã không bị pháp luật trừng trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn Tây Nguyên tăng tiến trong những năm gần đây.

SONG NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh