THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:46

Ba ba bên suối Phà

 

Làng tỉ phú

Ông Huy ngồi nhiệm sở, mắt hướng về điện thoại, đôi lông mày có lúc nheo lại, có lúc căng ra đột ngột như có một tia hy vọng trong muôn vàn bế tắc.

“À…! Vừa rồi có người gọi điện bảo tìm hộ cho mấy con ba ba. Con tầm cỡ 30kg ấy! Loại to như thế đất này nhà nào chả có, nhưng chẳng biết họ có bán hay không. Mình đang cố nhớ xem nhà nào bán ấy mà”, ông Huy giải thích.

 

Ông Sa Quang Huy bên con ba ba nặng 35kg do chính ông nuôi

 

Nói về mô hình nuôi ba ba ở xã, ông Huy nói thêm: Bên suối Phà là làng Văn Hưng, làng hiện có khoảng 300 hộ nuôi ba ba, mỗi hộ trung bình đạt từ 300-500 triệu/năm, có hộ đạt 1,2 tỉ đồng/năm.

Đúng như ông Huy nói, số người giàu lên nhờ nuôi ba ba ở đây không phải hàng chục mà là hàng trăm. Như vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Bắc, người thì nhỏ thó nhưng chân tay thì mau lẹ, từ ngày đặt chân lên vùng đất này, gia đình anh đã gắn bó với cây chè, chè bạt ngàn, quần quật chăm sóc, hái, sấy. Anh Bắc bảo, “làm ngày làm đêm nhưng không đủ ăn, vẫn đói”.

Rồi bén duyên với ba ba, thoát được nghèo, căn biệt thự bạc tỉ mới xây, cầu kỳ và tinh tế này cũng là thành quả của những mùa ba ba bội thu. “Chính con ba ba đã cứu gia đình anh ra khỏi khó khăn và cho anh cái cơ ngơi thế này đấy chú ạ!”, một lần nữa anh Bắc khẳng định.

 

Anh Nguyễn Ngọc Bắc, người có cơ ngơi bạc tỉ nhờ nuôi ba ba

 

Cách anh Bắc không xa là gia đình anh Đoàn Vũ Tuấn. Xưa, anh Tuấn bị tai nạn, phải cưa một chân, việc đi lại của anh phải nhờ cả vào xe lăn. Nhưng có cơ hội khởi nghiệp anh cũng có bạc tỉ. Nói đến anh, người ta nói ngay đến anh Tuấn thành công với các mô hình nuôi ba ba, loại thương phẩm thì anh có hàng tấn trong ao, còn loại sinh sản thì cũng trên trăm con mà mỗi con nặng 20 – 35kg.

Hay như chính gia đình ông Huy, các con đi làm xa, chỉ có vợ chồng ở nhà, ông lại là cán bộ xã, cả ngày bận bịu với công việc cơ quan nhưng cũng có mấy cái ao và hàng trăm con ba ba sinh sản. Chỉ tính riêng năm ngoái, sau khi trừ chi phí, ông thu về cũng được ngót ngét 200 trăm triệu đồng. Ông đang có kế hoạch 2-3 năm nữa nghỉ hưu, ông sẽ nhân rộng mô hình để nâng cao thu nhập. “Mình thuộc làng nhàng thôi, cái ở đất này còn có cả tỉ phú ba ba cơ mà”, ông Huy khiêm tốn.

 

Ba ba gai có trọng lượng lớn, có những con trên 30kg

 

Cả anh Tuấn, anh Bắc đều cho rằng con ba ba chỉ là con “xóa đói giảm nghèo”. Thế nhưng, theo thống kê của ông Huy, nhờ ba ba các hộ đã thoát nghèo từ chục năm trước. Gia sản hộ nào cũng là bạc tỉ cả. Không chỉ làm giàu cho mình, các hộ còn trưng biển, sẵn sàng chia sẻ, giới thiệu kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ, cùng nhau làm giàu.

Ba ba thuần chủng

Ít ai biết Cát Thịnh là cái nôi ba ba gai thuần chủng lớn nhất miền Bắc. Chính thân sinh anh Đoàn Vũ Tuấn là cụ Đoàn Vũ Sáng là một trong những người đầu tiên thuần chủng được giống ba ba gai này.

 

Ba ba được ví như “con xóa đói giảm nghèo” ở Cát Thịnh

 

“Dân ở đây đều là dân di cư dưới đồng bằng các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên lên. Lên đến nơi, người ta lập nên những nông trường bạt ngàn chè. Cũng thời đó, cứ đi dọc suối Phà là có thể bắt được ba ba gai. Con to thì ăn, con bé bố tôi quẳng xuống ao. Bẵng đi một thời gian, bố phát hiện ra nó lớn rất nhanh và sinh sôi rất nhiều”, anh Tuấn kể về nguồn cội của con ba ba Cát Thịnh.

Thấy có thể nuôi được, một số người nữa về Hưng Yên đưa ba ba trơn về nuôi nhưng không thành, bởi nước ở đây không hợp. Giữa lúc mọi người chán nản, cụ Sáng vẫn âm thầm, kiên trì, nâng niu, theo dõi con ba ba mình nuôi nó sinh sôi ra sao, ăn thứ gì, vận động như thế nào.

Anh Tuấn kể, “nuôi ở ao, ban đầu tỉ lệ trứng nở chỉ đạt 10%, thế là chúng tôi đi mua cho bằng được cái nhiệt kế, lẳng lặng đi tìm tổ ba ba trong suối, cắm nhiệt độ đo rồi theo dõi. Sau khi biết nhiệt độ, cát, về nhà làm theo và tỉ lệ trứng nở đã lên đến 90%. Mấy chục năm tự mình nghiên cứu rồi đi lên từ ba ba, cho nên cái bí kíp làm sao cho con ba ba sống khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở chúng tôi đã thuộc làu làu”.

 

Ao nuôi ba ba

 

Nếu nuôi ba ba trơn thì to lắm cũng chỉ được 5 kg, nhưng nuôi ba ba gai thì có con lên đến 40kg. “Mặc dù nuôi hàng tấn nhưng mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 30 phút cho ba ba ăn. Thậm chí loại ba ba bé thì mấy tháng sau mới phải cho ăn”, anh Tuấn nói. Thức ăn của ba ba chỉ có cá, loại cá tạp, cá mè. Hàng ngày, thương lái chở cả ô tô cá từ hồ thủy điện Thác Bà lên giao cho từng nhà. Các hộ cứ mua cả tạ, bỏ vào tủ lạnh, để thuận tiện, anh Tuấn còn sáng chế ra cái máy băm cá.

Sau khi nuôi và so sánh với ba ba ở một số nơi, anh Tuấn mới phát hiện ra điểm tạo nên thương hiệu của con ba ba quê mình chính là chất lượng thịt, thịt săn chắc, dai, nấu kiểu gì cũng không bị hao. “Tôi bán ba ba cho người Trung Quốc 600 nghìn đồng/kg. Nhưng người Trung Quốc mang ba ba của họ bán cho người Việt Nam với giá 300 nghìn đồng/kg. Tôi không khỏi thắc mắc nên đã theo chân ba ba sang tận Trung Quốc, lúc này mới hay rằng, chất lượng ba ba ở Cát Thịnh đạt gấp nhiều lần nuôi ở nơi khác, họ mua ba ba của mình về để ăn và xuất ba ba của họ đi”, anh Tuấn cho biết.  

Ba ba và thăng trầm

Ở Cát Thịnh có rất nhiều mô hình chăn nuôi, như nuôi bò, nuôi hươu, nuôi thỏ,… song không có mô hình nào đem lại hiệu quả hơn nuôi ba ba. Là “con xóa đói giảm nghèo” nhưng cũng có lúc ba ba trở thành nỗi khiếp đảm của một số hộ dân.

 

Nơi ba ba đẻ trứng

 

Ông Sa Quang Huy cho biết, vào những năm 2010, người Trung Quốc ồ ạt sang mua ba ba giống, bình thường thì trung bình chỉ khoảng 150 nghìn đồng/con giống, lúc đó giá bị đẩy lên 800 nghìn đồng/con. “Dân ham quá, bán hết, bán cả những con non chưa dụng rốn. Một số hộ đang trồng chè thấy ba ba có giá cũng đi vay ngân hàng về đào ao nuôi. Sau một năm biến động, giá ba ba lại trở về như cũ, thành thử có người giàu lên sau đợt ấy, cũng có người ôm đống nợ sau khi đầu tư”, ông Quy chia sẻ.

Ông Huy cũng chia sẻ thêm, nếu nuôi lợn, 1-2 năm là có thể tính chuyện lỗ lãi, còn nuôi ba ba thì phải đến 5-7 năm. Cho nên sử dụng đồng vốn vào nuôi ba ba phải bền gan, phải kiên trì. Sau cái năm giá ba ba giống lên cao, ở Cát Thịnh có khoảng 30 hộ bị phá sản. Qua bài học đó, nhiều người muốn đầu tư làm lại, khôi phục lại mô hình nhưng thiếu vốn. Theo ông Huy, “muốn khôi phục lại mô hình ba ba, nan giải nhất vẫn là vốn. Vì nói đến vay nuôi ba ba là ngân hàng... sợ”.

Được sự nhất trí ủng hộ của chính quyền, người dân đã lập nên Hội nuôi ba ba để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phát triển nguồn lực, vươn lên làm giàu. 

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh