Art Therapy: Chữa lành “đứa trẻ bên trong”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:36 - 22/09/2023
Điểm đặc biệt của Art Therapy
Art Therapy (tạm dịch: Trị liệu nghệ thuật) là một hình thức trị liệu tâm lý sử dụng sự sáng tạo cá nhân để cải thiện và gia tăng sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân. Có nghĩa là, người tham gia trị liệu sẽ được chữa lành tâm lý bằng các biện pháp truyền thống kết hợp với nghệ thuật.
Có nhiều phương thức sáng tạo nghệ thuật. Phổ biến nhất chính là nghệ thuật thị giác với đa dạng hình thức như vẽ tranh, cắt dán hình ảnh, nặn đất sét, lắp ghép sản phẩm 3D…
Thông qua việc tương tác với các chất liệu và dụng cụ, người tham gia có thể làm rõ những mâu thuẫn bên trong nội tâm. Cùng với đó là sự đồng hành của chuyên viên tâm lý, giúp mỗi người có thể phát triển khả năng tự nhận thức và giải quyết vấn đề bên trong.
Ưu điểm của cách làm này là giúp người bệnh “chữa lành” thông qua tương tác với hình ảnh và màu sắc; hoàn toàn dễ dàng hơn so với việc phải trả lời trực tiếp vấn đề cho bác sĩ tâm lý.
Những “đứa trẻ” bị tổn thương
Inner Child (tạm dịch: Đứa trẻ bên trong) là bản ngã, cái tôi đích thực của mỗi chúng ta. “Đứa trẻ” này, trong quá trình phát triển có thể phải chịu nhiều tổn thương từ các tác nhân bên ngoài.
Càng trưởng thành, chúng ta càng có xu hướng giấu đi “đứa trẻ” bên trong để gồng gánh áp lực từ cuộc sống. Tuy nhiên, “đứa trẻ’ trong bóng tối lâu ngày sẽ trở nên nhạy cảm. Khi chúng ta đến cực hạn, “đứa trẻ nhạy cảm” đó sẽ phải đối diện với thực tại khó khăn, khiến chúng bị tổn thương.
Bế tắc, mặc cảm, tâm lý rối bời, hay thậm chí không kiểm soát được cảm xúc và hành vi bản thân là những hậu quả của việc nội tâm bị tổn hại. Dù đã trưởng thành về thể chất và tinh thần, “đứa trẻ” vẫn luôn ở đó, vẫn đang chờ đợi được chữa lành.
Chữa lành “đứa trẻ bên trong”
“Đứa trẻ” đó là phần ẩn sâu trong mỗi người, là phần trọng yếu nhất. Bởi thế, việc nó trở nên nhạy cảm sẽ khiến những vết thương trong lòng dễ dàng “rách” ra. Trị liệu nghệ thuật được xem là một biện pháp tâm lý hiệu quả bởi nó tiếp cận những “đứa trẻ” một cách chậm rãi.
Một phiên làm việc thường kéo dài 60 phút đến 90 phút tùy theo nhu cầu của người tham gia. Ở mỗi buổi, bệnh nhân và nhà trị liệu vẫn trao đổi, chia sẻ nhưng đồng thời sẽ có những hoạt động sáng tạo khác. Tùy vào nhu cầu, mức độ thoải mái và mục tiêu trị liệu mà họ có thể tham gia cách hoạt động sáng tạo như vẽ, tô màu, nặn đất sét hoặc cắt dán…
Trị liệu nghệ thuật có thể tiến hành theo cá nhân hoặc nhóm. Việc tạo thành các nhóm trị liệu sẽ tùy thuộc vào nhu cầu mỗi cá nhân và các quy trình lâm sàng của đơn vị cung cấp dịch vụ tâm lý.
Biện pháp này giúp chúng ta tiếp cận những nơi tăm tối trong tâm hồn mà không lo sợ, trở nên thoải mái hơn do tính chủ động của chủ thể. Những “đứa trẻ” cũng vì thế mà yên tâm tiếp nhận liệu pháp chữa trị.
Những vết thương dù nhỏ, lâu dài cũng sẽ bị mưng mủ. Nếu không sử dụng thuốc, vết đau ấy càng nặng hơn. Cảm xúc của chúng ta cũng thế. Nếu những cảm xúc tiêu cực liên tục bị dồn nén, bị kìm hãm thì sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Tệ hơn, đó là sự biến dạng của bản tính sơ khai, khiến nó méo mó, lệch lạc.
Để không bị phần “sơ khai” lấn át, con người cần học cách cân bằng cảm xúc và lý trí; đồng thời chữa lành những tổn thương từ bên trong. Đó cũng là điều mà chương trình Halloween 2023: Symfonía mong muốn truyền tải đến khán giả.
Halloween là sự kiện thường niên của khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau 18 mùa thành công, Halloween 2023 đã chính thức trở lại với tên gọi “Symfonía” (Tạm dịch: Giao hưởng) cùng nhiều hoạt động thú vị.
Ngày 31/10 tới đây, đêm hội Halloween 2023: Symfonía sẽ chính thức diễn ra tại hội trường C, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ban Tổ chức hứa hẹn sẽ đem đến nhiều thông điệp nhân văn, chữa lành “đứa trẻ” trong mỗi chúng ta.