THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:03

Ảo tưởng lương cao, nhàn thân... nhiều người đổ xô vào ngân hàng

 

“Dẫn đến sự ngộ nhận này, lỗi phần lớn là do những người làm ngân hàng trong cách tương tác, hay truyền thông với xã hội. Như bản thân tôi đây, nhiều khi đưa lên facebook ăn nhậu chỗ này, check in chỗ kia, vi vu du lịch…tưởng là sướng lắm chứ nhiều khi chỉ là chém gió”, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng chia sẻ.

Câu chuyện nhân sự ngành ngân hàng trong năm 2016, sẽ là vấn đề nóng, bởi ngân hàng không hề cắt giảm nhân viên trong giai đoạn khó khăn mà vẫn tuyển thêm. Có điều, cuộc tuyển nhân sự giai đoạn này được chọn lọc hơn, khắt khe hơn vì đòi hỏi của công cuộc tái cơ cấu, hội nhập. Thậm chí có ngân hàng sẵn sàng trả lương cao cho một người làm được việc để tinh giảm bớt số lượng nhân viên khác.

Tuy nhiên, cuộc tuyển chọn nhân sự của nhiều ngân hàng cũng lắm gian nan, bởi người hiểu về ngân hàng thì thận trọng còn người chưa hiểu thì lao vào, còn người chưa hiểu thì thèm thuồng, ảo tưởng.

 

Ngộ nhận về công việc ngân hàng

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần chia sẻ lần phỏng vấn tuyển nhân sự cũng thấy có rất nhiều bạn trẻ ngộ nhận về công việc ngân hàng. Ứng tuyển vào ngân hàng có rất nhiều bạn hiện đang đi làm tiếp thị, bán hàng cho các công lớn hoặc làm cho các công ty tài chính.

Công việc đang làm tương đối ổn định, hoàn thành chỉ tiêu hàng tháng, có thu nhập ngang ngửa với vị trí sắp ứng tuyển vào ngân hàng.

“Tôi hỏi vì sao em muốn thay đổi công việc khi em đang có công việc ổn định và có thu nhập? Em bảo là em muốn làm ngân hàng vì thấy làm ngân hàng sướng, ra đường người ta nể (!)”, vị giám đốc kể lại.

Thậm chí, có nhiều bạn chỉ muốn vào ngân hàng vì nghĩ sẽ có được mức lương đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân chứ không phải hưởng lương dựa trên những gì mình làm được cho doanh nghiệp.

Vị giám đốc chi nhánh này kể tiếp, lần phỏng vấn mới đây, có một em đang làm bán hàng cho công ty viễn thông trả lời muốn vào ngân hàng vì lương ngân hàng bèo nhất cũng phải trên 5 triệu/tháng.

“Em nói mức thu nhập của em ở công ty hiện tại không đủ trang trải cuộc sống và em nghĩ có tìm thêm khách hàng cũng không đủ để tiêu. Em muốn vào làm ngân hàng vì lương bèo nhất cũng phải trên 5 triệu/tháng chứ anh. Nghe xong câu trả lời của cô bé mà tôi suýt té ghế”, vị giám đốc chi nhánh này chia sẻ.

Có bạn còn nghĩ làm ngân hàng sang lắm, hay được đi du lịch, gặp gỡ khách hàng. “Thực tế, trước đây có thể là vậy, nhưng bây giờ làm ngân hàng rất cực khổ, không phải chỉ ở cấp nhân viên mà còn ở cả quản lý cấp cao, không chỉ ở bộ phận này hay bộ phận khác mà tất cả các bộ phận đều cực khổ, khó khăn như nhau. Cái chuyện đổ mồ hôi, sôi nước mắt hay rơi cả máu là chuyện bình thường”, vị này chia sẻ.

Nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn cũng cho biết giờ làm ngân hàng quá vất vả vì định mức, chỉ tiêu, đó là chưa kể mời người ta vay bằng được xong đến hạn lại đến đòi cho bằng được.

“Nhiều lúc ngân hàng áp xuống định mức trên trời, nhân viên cứ thế mà chạy. Đến hạn lại lo đi đòi nợ. Nhiều hôm, đến đòi nợ còn bị doanh nghiệp đó cho nhân viên cầm gậy gộc đánh đuổi đi ý chứ. Những lúc như vậy, em hay gọi bạn đi nhậu hoặc cafe, rồi lại check in lên facebook khiến nhiều bạn bè lầm tưởng làm nhân viên tín dụng sướng lắm. Họ đâu có biết là mình vừa chạy thục mạng vì bị khách hàng đánh đuổi đâu”, cậu nhân viên này cười ngượng.

Thiếu người làm được việc

Ông Trịnh Xuân Giang, Quản lý vùng khách hàng doanh nghiệp, Pvcombank, cho biết mặc dù các ngân hàng vẫn tuyển nhận sự nhưng không mở rộng thêm số lượng nhân viên tương ứng mà sẽ là chọn lọc.

“Nếu ngân hàng tuyển được 1 người làm được việc thì sẽ cho 3 người cũ không làm được việc nghỉ việc. Có nghĩa là ngân hàng chỉ muốn tuyển nhân sự cứng và tinh giản bộ máy nhân sự”, ông Giang phân tích.

Thực tế các ngân hàng đang thiếu những người làm được việc, nhất là các vị trí lãnh đạo như giám đốc khối, giám đốc chi nhánh.

"Nhưng việc tuyển dụng người làm được việc sẽ khó khăn vì người làm được việc thì thiếu mà người không làm việc hiệu quả, không hoàn thành chỉ tiêu thì nhiều”, ông Giang nhận định.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cũng thừa nhận công cuộc tuyển dụng này khá vất vả vì người làm được thì hiếm mà người không hoàn thành công việc thì nhiều. Nhiều người xin vào làm ngân hàng chỉ vì ảo tưởng về công việc ngân hàng nhưng lại không có kỹ năng để làm việc.

“Một nhân viên được tuyển dụng không chỉ tốt nghiệp bằng giỏi với các chứng chỉ khác là đủ. Điều quan trọng là phải hiểu nghiệp vụ, có mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp và xử lý công việc. Ngoài ra, một nhân viên ngân hàng được tuyển dụng cần phải trang bị cho mình những kỹ năng mềm. Đây là yếu tố quan trọng để họ có thể xử lý các vấn đề phát sinh cũng như hoàn thành chỉ tiêu của ngân hàng giao cho. Tất nhiên, với những nhân viên làm được việc, thu nhập của họ cũng được hưởng ở mức xứng đáng”, vị này cho biết.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cũng thừa nhận, việc tuyển dụng nhân sự, giữ người giỏi sẽ là một thách thức lớn của ngân hàng.

“Điều này buộc các ngân hàng phải có chiến lược và kế hoạch nhân sự chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập của thị trường, nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới. Đồng thời phải có chính sách giữ được cán bộ tốt, chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ. Những việc này sẽ phải được tính toán một cách rất chặt chẽ mới đảm bảo sự phát triển của ngân hàng”, ông Thọ cho biết.

“Tất cả việc đó phải gắn kết với nhau, tất nhiên là những điều đó sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh gay gắt, nhưng về nguyên tắc, phải thiết kế một cách đầy đủ những chính sách như vậy để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng tốt”, ông Thọ nhấn mạnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh