CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

Áo dài 'truyền thống' cũng từng là... cách tân

Mẫu áo dài cách tân được các bạn trẻ ưa thích. ẢNH: NGỌC DƯƠNG


Liên tục thay đổi
Cô Trần Thanh Trúc (ngụ tại TP.HCM), thành viên nhóm Đại Việt cổ phong, gồm những người yêu mến và nghiên cứu phong tục xưa, đang có một dự án phục dựng áo giao lĩnh cổ, cho rằng: “Chiếc áo dài chiết eo ôm sát mà mọi người ngày nay cho là áo dài truyền thống cũng từng là một thứ cách tân và bị lên án. Chỉ những cô gái rất bạo dạn thời xưa mới dám diện áo dài kiểu này. Tà áo dài chấm gót cũng từng là một thứ mới mẻ. Bà tôi kể rằng xưa có lần bà may áo dài chấm gót đã bị mẹ mắng và cắt đi tà áo dài cho ngắn lại, vì ngày xưa tà áo dài chỉ dài qua nửa gối”.
Theo cô Trúc, ống tay raglan, một nét riêng biệt trong áo dài ngày nay, chịu ảnh hưởng từ phương Tây và chỉ được ưa chuộng từ thập niên 1960 trở đi. Áo dài của đầu thế kỷ 20 trở về trước không hề có ống tay raglan. “Không nên lấy 4 chữ truyền thống dân tộc ra để cấm cản sự thay đổi, vì chính cái truyền thống mà ta đang nhắc đến cũng từng một thời không phải là truyền thống”, cô Trúc nói.
Còn anh Nguyễn Ngọc Phương Đông, một du học sinh ngành nhân học tại Mỹ, cho biết trước đây áo dài từng nhiều lần thay đổi. Chẳng hạn, trước 1975, tại Sài Gòn đã có mốt mặc áo dài mini vạt ngắn.
Anh Đông cũng chia sẻ hình vẽ được nhóm nghiên cứu không chuyên của anh vẽ lại từ tranh Võ quan vinh quy đồ và Văn quan vinh quy đồ. Đây là bức tranh thế kỷ 18 hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trên hình vẽ này, áo dài được mặc không phải với quần. “Việc biến đổi tà áo dài đâu phải chuyện mới. Áo dài ta vẫn tưởng cổ truyền thực ra là áo dài Le Mur, cắt may theo kiểu Tây, được họa sĩ Cát Tường sáng chế ra vào thập niên 1930. Chúng ta đã khoác trên mình tà áo dài cách tân gần 100 năm nay, đã quảng bá nó ra thế giới, đã tôn sùng nó rồi. Không có lý do gì ông Cát Tường được phép cách tân và được trọng vọng mà những nhà thiết kế ngày nay không được phép”, anh Đông nói. Anh cũng ủng hộ cách tân đa dạng áo dài vì lịch sử trang phục luôn biến thiên chứ không mãi gò bó trong một khuôn khổ.
Áo dài mặc với váy. Hình được vẽ lại từ tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. ẢNH: ANH PHƯƠNG ĐÔNG CUNG CẤP

So sánh kỹ hơn, anh Đông cho rằng chiếc áo dài váy đụp có vạt áo ngắn giống áo dài thiếu nữ Huế vào đầu thế kỷ 20. Theo anh, lối mặc váy với áo dài thực ra là lối phục sức lâu dài nhất của người Việt. Chỉ đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát mới bỏ váy và bắt đàn bà Đàng Trong tất thảy đều phải mặc quần ống. Sau đó, vua Minh Mạng mới áp đặt lối mặc quần lên Đàng Ngoài. “Tôi thấy lối mặc áo vạt ngắn với váy vừa tiện lợi năng động, mà lại còn gần gũi với lối cha ông ta ăn mặc các thời đại xa xưa”, anh Đông nói.
Sao quá nặng nề với “cách tân” ?
Trong khi đó, với nhiều người thích “áo dài cách tân”, lý do họ đưa ra là “thấy duyên dáng, tiện lợi... là mặc thôi”.
Chị Nguyễn Phương Liên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) ưng áo dài cách tân và chọn cho cô con gái đầu mặc. “Con gái tôi tết này mặc áo dài váy đụp, ai cũng khen xinh. Cháu không mặc quần vì nói mặc váy thoải mái hơn. Thời trang cần mang tính ứng dụng. Cứ cách tân để các cháu yêu thích áo dài đi đã, sau đó thì mới mặc áo dài truyền thống”, chị Liên nói.
Giải bạc Siêu mẫu VN 2015 Ngọc Quý đưa ý kiến: “Gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình là vô cùng quan trọng. Với chiếc áo dài lại càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ mãi cứng nhắc trong khuôn khổ cổ điển. Sự hiện đại cộng với nét phá cách một chút sẽ mang đến một màu sắc, một tinh thần vui vẻ, thoải mái. Áo dài giờ không chỉ mặc trong những dịp trọng đại mà còn để đi chơi cùng bạn bè. Vậy nên, với Quý thì sự phá cách mặc với quần jeans, váy, quần ống ngắn cũng không phải quá nặng nề”.
Còn MC Phương Thảo bộc bạch: “Thảo có con nhỏ nên việc mặc một chiếc áo dài cổ điển có vẻ hơi gò bó một chút. Thảo lại là người thích mặc áo dài trong nhiều dịp không chỉ lễ tết nên khi kết hợp chiếc áo với váy dài Thảo thấy rất tiện lợi để đi chơi, ẵm con. Thật ra, chúng ta đâu có mặc áo dài với váy quá ngắn đến đền chùa mà chỉ mặc đi chơi thôi. Vậy nên, theo Thảo, hãy nên nhẹ nhàng với áo dài cách tân”.

 

Ý kiến
“Nhìn các bạn mặc áo dài với váy đi chơi rất vui, ai cũng đẹp và lạ hết. Sau khi đọc nhiều trang mạng, nghe người ta phân tích, bàn tán áo dài cách tân mặc với váy bằng nhiều lời lẽ nặng nề tôi thấy buồn thật. Người trẻ chúng tôi muốn được vui vẻ, được mặc chiếc áo truyền thống theo xu hướng hiện đại. Đi chơi, đi làm hay đi tiệc với áo hiện đại như vậy thì có gì sai, tại sao phải lên án. Nếu chúng tôi đi lễ chùa, đi nhà thờ hay đến các nơi trang nghiêm mà cứ mặc váy ngắn với áo dài rồi tung tăng đùa giỡn thì đó mới đáng phê phán. Những người mặc chiếc áo dài truyền thống nhưng từ hành vi đến lời nói không đúng với tinh thần chiếc áo thì mới đáng nói”.
Phạm Minh Trang 
(20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM)
“Chiếc áo dài có cách tân, có mới mẻ thì mới đi cùng năm tháng được. Tuy nhiên nên cách tân trong giới hạn để không bị lai sang trang phục truyền thống của nước khác và không làm mất đi nét đẹp e ấp của người phụ nữ VN. Quan trọng là người mặc cần lựa chọn áo dài phù hợp với từng hoàn cảnh xuất hiện”.
MC Hoàng Oanh

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh