Ảnh hưởng đại dịch Covid-19: Dệt may, da giày nguy cơ giảm và thiếu việc làm tháng 4, tháng 5
- Huyệt vị
- 17:38 - 12/04/2020
Dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn
Cụ thể, quý I, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 8,3%). Ngành dệt chỉ tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 11,1%). Ngành may chịu tác động khá lớn khi 3 tháng giảm 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%.
Bộ này cho hay, đến nay, khi Trung Quốc đã bước qua đỉnh dịch, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, do đó việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm.
Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại các thị trường nêu trên giảm sút.
Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa các hoạt động, tuy nhiên, giao thương giữa các nước với các đối tác trong đó có Việt Nam, theo Bộ Công Thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế.
Bên cạnh đó, do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch, dẫn đến lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... sẽ suy giảm.
Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển gặp khó khăn, dự báo hàng hóa nhập khẩu vào các nước bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm.
Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.
Do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, các ngành dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.
Áp lực tài chính, lao động nặng nề
Ngành dệt may ước tính đơn hàng sẽ giảm khoảng 70% trong tháng 4 - 5 và khả năng phục hồi sẽ chậm cho đến cuối năm.
Đáng chú ý, với lĩnh vực da giày, trước diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng tại các nước có thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày như Mỹ và EU, tổng số đơn hàng bị hủy của toàn ngành tại các thị trường ước tính chiếm đến khoảng 70%.
“Nếu không có sự thay đổi về đơn hàng thì dự kiến phần lớn các doanh nghiệp chỉ hoạt động được đến hết tháng 4/2020”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Khó khăn về đầu ra kéo theo hàng loạt khó khăn về tài chính cũng như nguồn nhân lực đối với các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nhận định, sản xuất suy giảm chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới việc làm cũng như đời sống của người lao động; trong đó, lớn nhất có lẽ là ngành dệt may và da giày (các ngành sử dụng nhiều lao động). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 4 triệu lao động trong ngành dệt may, da giày.
Theo ước tính của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, với tình hình thị trường như hiện nay, dự báo tới giữa tháng 4 khoảng 70-80% doanh nghiệp ngừng việc sẽ ảnh hưởng tới khoảng 800.000 lao động; tới cuối tháng 4 tình hình không có gì tiến triển, dự báo hầu hết doanh nghiệp ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy dệt may, da giày, đồ gỗ đã phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên do thiếu việc làm. Nguy cơ giảm và thiếu việc làm của tháng 4 và tháng 5 là rất rõ ràng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.