CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

Dệt may chịu khủng hoảng bởi COVID-19 nhưng lại cơ hội chưa từng có: Từ nội địa và bây giờ là sự thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang trên thế giới

Chúng ta đã lắng nghe khá nhiều về những tác động tiêu cực mà dịch bệnh COVID-19 đang và tiếp tục gây ra cho thế giới cũng như nền kinh tế nước nhà: Đặc biệt ngành dệt may.

Nhưng, trong nguy có cơ, dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng chưa từng có cho ngành, ngược lại vẫn đang tạo cơ hội cũng chưa từng có! Không chỉ nội địa, mà bây giờ là trường thế giới rộng lớn (dĩ nhiên phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn): Tín hiệu nhìn từ các đơn đặt hàng khẩu trang của châu Âu, Mỹ... với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội chưa từng có, từ thị trường nội địa: Khẩu trang liên tục cháy hàng, doanh nghiệp phải liên tục tối đa hoá công suất

Điểm lại thị trường trong nước, giai đoạn sau Tết khi dịch bắt đầu bùng phát, khẩu trang trở thành vấn đề nóng hổi. Người dân tăng cường gom dự trữ thúc đẩy một sự thiếu hụt nghiêm trọng vào khoảng tháng 2.

Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sẵn có để bắt tay vào việc may khẩu trang: từ chất liệu khẩu trang y tế, đến vải sợi kháng khuẩn, vải giọt bắn và cả từ chất liệu bã cà phê.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, cung ứng hàng trăm ngàn khẩu trang ngay thời điểm phát sinh dịch vào tháng 2/2020. Được biết, đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho Nhật Bản 30 năm qua.

Cuối tháng 3, thị trường tiếp tục đón nhận mạnh dòng sản phẩm mới - "khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp", do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển mẫu và được Dệt Kim Đông Xuân sản xuất.

Mặc dù chưa thống kê cụ thể doanh thu, song mức tiêu thụ chỉ tính riêng tại thị trường trong nước cũng tạo động lực cho toàn Tập đoàn liên tục tăng đối đa công suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu.

Hay Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng tiến hành sản xuất khẩu trang vải Nano. Theo đó, doanh thu nội địa Công ty tăng đột biến hơn 240% lên 36 tỷ - chủ yếu nhờ bán khẩu trang trong tháng 2.

Sau thành công từ khẩu trang, Công ty cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch trong cuộc chiến phòng chống COVID-19. Hiện năng lực sản xuất của TNG đáp ứng được 100.000 bộ/ngày và mặt hàng này còn mở ra hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Đến cơ hội xuất khẩu: Nhìn đợt cơn khủng hoảng thiếu khẩu trang trên thế giới

Và bây giờ là trường thế giới, từ lúc dịch bệnh bắt đầu lây lan sang các nước châu Âu, khi quốc gia sở tại còn chưa thống kê con số nhiễm thì khẩu trang đã ngầm là một cơn sốt. Tín hiệu mới nhất từ Công ty May 10: theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, May 10 đang lắp đặt dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế song song với sản xuất khẩu trang vải. Có đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế của May 10, dự kiến giao từ tháng 7/2020 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu Tổng Công ty trong năm nay).

Ngoài ra, còn có một số đối tác đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong 6 tuần và 1 đối tác đã nhận 2 triệu khẩu trang vải, tiếp tục đặt 06 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Ngày 15/4 tới đây, May 10 sẽ ra mắt thương hiệu khẩu trang M10 Pro, Tổng Công ty cũng đang sản xuất các bộ đồ phòng chống dịch.

Ghi nhận theo góc nhìn của bác sĩ Đ.P.L (học tập và làm việc tại Budapest – Hungary từ năm 1990 đến nay), lúc dịch bắt đầu bùng nổ theo tuyên bố của Trung Quốc vào đầu tháng 1/2020, khi cả Châu Âu còn đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra ở một nơi "rất xa xăm" nào đó, khẩu trang đã là một vấn đề nóng hổi.

Thực ra từ trước tới nay, châu Âu chưa bao giờ có thói quen đeo khẩu trang. Ngay trong các bệnh viện, phòng khám, khẩu trang chỉ được dùng khi các bác sĩ vào phòng mổ, các bác sĩ răng phải khoan đục, hay tiếp xúc với những ca viêm nhiễm nặng. Người dân thường ra đường không ai đeo khẩu trang tránh bụi hay chống lạnh. Chính vì vậy, nhu cầu khẩu trang của châu Âu rất ít, chỉ vài nơi sản xuất hoặc nhập khẩu bán với giá bèo bọt.

Sau một thời gian lúng túng, giờ đây nhiều nơi ở châu Âu và cả Mỹ cũng ra sắc lệnh bắt buộc ra đường phải có khẩu trang, nhất là khi di chuyển trên các phương tiện công cộng, vào những không gian kín.

Ở Hungary, sau khi đã bán đi trắng kho lưu trữ khẩu trang, COVID-19 tràn vào châu Âu với tốc độ tên lửa, chẳng nơi nào còn kịp trở tay: sản xuất không kịp nhu cầu tăng lên gấp cả chục trăm lần, công nhân không có (phải huy động cả tù nhân làm khẩu trang), máy không đủ, nguyên vật liệu vốn dĩ phải đi nhập khẩu từ Trung Quốc bây giờ cũng bị cắt nốt.

Dù nhiều đơn vị đã "tìm đường" xuất sang, song theo sau đó là một sự khủng hoảng thừa khẩu trang không đạt chất lượng, trong khi vẫn chưa giải quyết được nhu cầu cực kỳ lớn!

Như vậy, tín hiệu tốt từ May 10 đang mở ra đường xuất khẩu đúng chuẩn của hàng Việt Nam sang thị trường cực kỳ "nóng hổi" tại các nước châu Âu, Mỹ…

Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, một startup Việt chuyên sản xuất giày từ bã cà phê cũng vừa nhận được đơn hàng đặt qua Mỹ, Sing, Đức và châu Âu về dòng sản phẩm mới: Khẩu trang AirX từ cà phê.

Tuy nhiên tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia có khác nhau, nên hãng cần thời gian để xin các chứng chỉ. Hiện, Công ty chỉ đạt chứng nhận tiêu chuẩn AATCCC 100 bởi QUATEST 3, thông qua đó bán nội địa thông qua hình thức online tại website của Shoex.net (mỗi gói 5 cái). Ngoài ra, Công ty cũng liên kết đưa sản phẩm bán trên sản TMĐT như Tiki, Shopee (bán lẻ từng cái), và qua kênh đại lý.

Khủng hoảng chưa từng có: Ước tính ngành dệt may thiệt hại mỗi tháng 3.000 tỷ đồng

Với việc phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung nguyên liệu Trung Quốc, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại quốc gia này đã thách thức toàn ngành về sự thiếu hụt đầu vào.

Vừa giải quyết xong bài toán nguồn cung, doanh nghiệp bước tiếp vào nguy cơ mất thanh khoản trầm trọng, khi các đối tác châu Âu liên tục cắt giảm đơn hàng trước áp lực dịch bệnh cùng hạn chế giao thương cửa khẩu.

Dòng thu hạn hẹp, trong khi vô vàn khoản chi vẫn hiện hữu: từ lãi vay, chi phí thuế đến khoản chi lương với lực lượng lao động lên đến hàng trăm ngàn người (ngành thâm dụng lao động), Tập đoàn Dệt may (Vinatex) theo đó liên tục họp khẩn để đưa ra phương án ứng phó, đồng thời "cầu cứu" lên Chính phủ để được giảm thuế, giảm bảo hiểm xã hội, vay trả lương không lãi suất…

"Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020. Thiệt hại ước tính với ngành lên tới trên 5.000 tỷ đồng; thậm chí tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng", văn bản buổi họp cuối tháng 3 của Vinatex cho hay.

Dệt may chịu khủng hoảng chưa từng có trước COVID-19, nhưng cũng đạt cơ hội chưa từng có: Từ nội địa và bây giờ là sự thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang trên thế giới - Ảnh 2.

Bảo An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh