THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

An toàn trường học: Chống tai nạn thương tích phải đặt lên hàng đầu

 

Phụ huynh lo lắng và bất an mỗi khi đưa con trẻ đến trường.


Học sinh lớp 4 ngã từ tầng cao xuống sân trường; học sinh lớp 6 đi dã ngoại ngã xuống nước tử vong; học sinh mất mạng do cô giáo lùi xe trong sân trường, cổng trường đổ đè tử vong một học sinh lớp 2… hàng loạt tai nạn thương tâm xảy ra tại trường học trong thời gian gần đây khiến cho xã hội, phụ huynh lo lắng và bất an mỗi khi đưa con trẻ đến trường.

Phụ huynh thấp thỏm, bất an

Câu chuyện về cái chết của học sinh lớp 6 Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) khi đi dã ngoại tại khu du lịch thác Thăng Thiên (Hòa Bình) đã gây ra nhiều tranh cãi trong các bậc phụ huynh học sinh. Sau cái chết của học sinh này một số trường học tại Hà Nội đang có ý định tổ chức cho học sinh đi dã ngoại phải tạm dừng bởi vấn đề an toàn. Mới đây nhất là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) do không bán trú nên sau giờ nghỉ trưa được gia đình đưa đến lớp nhưng chưa đến giờ học buổi chiều nên em học sinh này leo trèo lên lan can cửa sổ và đã bị ngã từ tầng 4 xuống sân bóng của trường khiến em bị hôn mê sâu, khiến cho các bậc phụ huynh hết sức  bàng hoàng, lo lắng và luôn thấy bất an mỗi khi đưa con đến trường.

Có con đang học tại một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chị Nguyễn Thu Huyền chia sẻ nỗi lo lắng khi gần đây nhiều học sinh bị nạn ngay trong trường học: “Dù nhà ở gần trường nhưng con theo học bán trú cả ngày trên lớp. Sáng bố hoặc mẹ đưa con đến trường, 5 giờ chiều ông bà mới đến đón về. Như vậy, gần như cả ngày việc con ăn, ngủ, sinh hoạt đều trên lớp và gia đình chỉ biết phó thác sinh mạng, sức khỏe cho cô giáo. Thế nên... nín thở mỗi khi thấy số điện thoại của cô giáo gọi đến”.

Cũng cùng tâm trạng lo lắng, anh Phạm Tuấn Hải, ở quận Đống Đa, Hà Nội có con học đang học lớp 5 cho hay, dù đưa con đến trường, nơi rất an toàn nhưng anh vẫn thấy lo lắng, bởi con trai ở nhà rất hiếu động, chỉ thích nhảy lên bàn ghế, thích leo trèo, khám phá vì thế khi đến trường rất dễ gặp nạn. Anh Hải mong ở trường học thầy cô rà soát thường xuyên các nguy cơ trẻ dễ gặp phải như: Đường dây điện, quạt, cửa sổ có khung, ban công hành lang cao. “Đặc biệt, thầy cô giáo cần nhắc nhở thường xuyên và kỷ luật nghiêm những học sinh vi phạm nội quy để các con biết sợ và thấy được sự nguy hiểm của nó”, anh Hải nói.

 Đừng để xảy ra tai nạn rồi mới cấm

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì trong các hoạt động của nhà trường luôn luôn phải chú ý đến an toàn cho học sinh. Khi tổ chức đi dã ngoại, nhà trường phải có kế hoạch tỉ mỉ, từ việc hướng dẫn học sinh ra xe, không cho phép học sinh chơi, nghịch, phân công giáo viên cụ thể. Dù nội dung đi dã ngoại còn sơ sài, nhưng đã tổ chức thì an toàn phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều nhà trường bỏ quên là trước buổi dã ngoại cần có một tiết học phổ biến những kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh trong chuyến đi. 

 

Học sinh phải được học tập trong môi trường an toàn.

 

“Các nhà quản lý, nhà giáo dục phải nhận thức được ngoài việc giáo dục kiến thức cho học sinh thì an toàn trường học, chống tai nạn thương tích cho các em phải đặt lên hàng đầu. Cơ sở vật chất của nhà trường thường xuyên phải được kiểm tra để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đặc biệt không được đi xe máy, xe đạp, ôtô trong sân trường. Đừng để xảy ra tai nạn rồi mới cấm”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Việc một em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Dịch Vọng B bị ngã từ tầng cao xuống, theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Trường Dịch Vọng B là một trong những trường được đầu tư rất hiện đại, đảm bảo thiết kế quy chuẩn trường học, từ gạch lát nền, lan can đều đảm bảo. Lan can của trường cao đến ngực học sinh lớp 4. Do đó, theo phỏng đoán, rất có thể em học sinh đã trèo qua lan can và bị ngã. 

“Tuy nhiên, qua sự việc này đã phát sinh lỗ hổng là nếu phụ huynh đưa con đến trường quá sớm, (20 - 30 phút), lúc đó cô giáo chưa lên lớp, thì ai quản lý các em; còn nếu để các em ở ngoài cổng trường thì xảy ra nguy cơ học sinh dễ bị tai nạn giao thông. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ, nên chăng sẽ có giờ thống nhất phụ huynh đưa con đến trường. Thực tế thì quy định giờ đến trường, giờ vào lớp có rồi, nhưng điều quan trọng là phụ huynh phải đồng thuận. Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường phải chặt chẽ hơn”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, việc quản lý, trông nom học sinh bán trú cực kỳ khó khăn vì thầy cô chỉ được đào tạo dạy học, nhưng giờ phải đóng luôn vai trò bảo mẫu. Cầu Giấy hiện có gần 100% học sinh tiểu học và 80% học sinh THCS bán trú. Từng trường đều có ban giám sát thực phẩm, có cả phụ huynh tham gia. Để đảm bảo an toàn bữa ăn cho các em, 100% các trường được đầu tư bếp ăn, thuê công ty nấu ăn đến nấu. 

 

Ngày 7/5/2018, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và trường trực thuộc, yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong trường học. Theo đó, các trường học (bao gồm cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT) trên địa bàn Hà Nội không được phép cho các phương tiện xe cơ giới lưu thông hoặc dừng, đỗ trái phép trong khuôn viên nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm giám sát công tác trông giữ phương tiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu để tái diễn tình trạng vi phạm quy định về trông giữ xe trong trường học, hiệu trưởng nhà trường phải kiểm điểm trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT và UBND TP. Hà Nội.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh