THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:23

Cần nâng cao An toàn lao động trong xây dựng các công trình nhà ở dân sinh

 

Nhọc nhằn nghề thợ nề

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong khu vực; tỷ lệ đô thị hóa mức năm 2016 là 35%, đến năm 2020 sẽ là 45%. Đây là cơ sở giúp cho thị trường nhà ở và xây dựng trong nước phát triển. Với tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng khiến các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở thành những công trường xây dựng với hàng vạn công nhân, thợ hồ (thợ nề) tham gia làm việc.

2 giờ chiều dưới cái nắng oi ả của Hà Nội, hàng chục thợ hồ tại công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) vẫn đang miệt mài với công việc. Tại các công trình xây dựng nhà ở dân sinh, thường có quy mô nhỏ từ 4 – 6 tầng nằm trong các khu dân cư đông đúc. Chính vì vậy, công tác thi công đa phần vẫn là phương thức thủ công. Từng viên gạch, xô vữa vẫn qua tay những người thợ di chuyển từ mặt đất lên các tầng cao hơn. Cùng với đó là những tiếng máy trộn bê tông, tiếng khoan cắt át cả tiếng người.

 

Tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà ở dân sinh

 

Lau những giọt mồ hôi còn vương đầy trên khuôn mặt đem sạm vì nắng, anh Phan Văn Hùng (quê Hà Nam) cho biết: "Tôi đã đi làm thợ xây cũng được 6 năm nay. Gia đình có 4 người, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng cũng chẳng được là bao, nên tôi phải lên thành phố kiếm việc để nuôi các con ăn học”. Sau một ngày làm việc quần quật, dáng vẻ của anh Hùng đã lộ rõ vẻ mệt mỏi “theo cái nghề phụ hồ này vất vả lắm, ngày nào cũng chỉ là xách vữa, kéo gạch, vác xi măng… nhiều hôm phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ, đến tối về lán thì chân tay mỏi rã rời, chẳng buồn ăn uống. Với những người lao động phổ thông như tôi, không đi xây cũng chẳng biết làm nghề gì, không làm thì lấy gì để nuôi gia đình” - anh Hùng cho biết.    

Tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội), nhóm thợ hồ của chị Bùi Thị Thảo (quê Thạch Thất) đang tất bật bên ngôi nhà xây đến tầng 3. Chị Thảo đã có thâm niên tuổi nghề phụ hồ ngót chục năm. Công việc nặng nhọc cả ngày dưới thời tiết khắc nghiệt là vậy, nhưng sau mỗi ngày lao động vất vả, chị lại trở về với những dãy lán trại lụp xụp được dựng tạm bợ bên công trình, hay có khi trong chính những tầng nhà mới thi công. Thiếu thốn những điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nhà vệ sinh, nơi tắm giặt khiến cuộc sống những người thợ xây càng thêm nhọc nhằn, vất vả. 

Không chỉ vất vả, người công nhân cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy do tình trạng mất an toàn lao động. Theo anh Hùng, tại công trình, những chấn thương do gạch vữa - vật liệu rơi chẳng phải là hiếm, không ít các trường hợp tai nạn đã xảy ra. Năm ngoái một người bạn trong nhóm thợ của anh cũng gặp tại nạn ngã dàn giáo nhưng may mắn chỉ bị gãy chân. Không có bảo hiểm nên mọi chi phí gia đình vẫn phải tự chi trả, chủ thầu cũng chỉ hỗ trợ phần nào.

 

Nhiều lao động không được trang bị bảo hộ, cũng như kiến thức kỹ năng an toàn lao động

 

Theo quan sát ở các công trình xây dựng nhà ở dân sinh, phần đa lao động không được trang bị các thiết bị bảo hộ như: Mũ, quần áo, dây bảo hiểm… Thiết bị thi công thô sơ không bảo đảm an toàn trong những trường hợp có sự cố xảy ra.

Khác với công nhân xây dựng trong các công trình lớn, các lao động phổ thông tại các công trình xây dựng nhỏ, nhà ở dân sinh thường là những người làm thời vụ cho các cai thầu. Không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm… nên khi gặp nhưng sự cố tai nạn người thợ thường phải gánh những rủi ro. Phần lớn thợ xây ít được đào tạo bài bản, không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động. Không chỉ chủ thuê lao động thờ ơ, buông lỏng quản lý mà chính người lao động cũng chủ quan với sự an toàn của bản thân.

Nghề có nguy cơ tai nạn cao

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 7.749 vụ tai nạn lao động làm 7.907 người bị nạn và 648 người chết. Trong đó, tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất với gần 21% tổng số vụ. Đây cũng là lĩnh vực có số người chết vì tai nạn lao động ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác (chiếm tới gần 19,7 % tổng số người chết).

 

Tỉ lệ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng ở mức cao


Tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có 1 số vụ tại nạn thương tâm tại các công trường xây dựng đã xảy ra. Đơn cử, vào ngày 17/1 trên công trường xây dựng tại đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội đã xảy ra sự cố khiến 3 người tử vong và 3 người bị thương nặng. Ngày 13/4 tại khu Công nghiệp Hoà Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, một giàn giáo bất ngờ nghiêng và đổ sập khiến 10 công nhân đang làm việc bên trên bị rơi xuống dưới, trong đó có 2 công nhân mắc kẹt và bị thương nặng. Mới đây nhất, sáng (20/08/2018) một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại dự án tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ trên đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Vào thời điểm trên, cần cẩu đang thi công đột ngột đứt cáp rơi thẳng xuống phòng điều hành, làm sập hoàn toàn phần mái, sự việc khiến 2 người bị thương.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động (chiếm 33,8%) bao gồm: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,9% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 12,9% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 4,8% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 1,6% tổng số vụ; Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1,6%.

Các nguyên nhân từ người lao động chiếm 29%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 27,4% tổng số vụ; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,6% tổng số vụ; Còn lại 37,2% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh