Ăn thịt lợn thối, uống cà phê đậu nành, tráng miệng dưa hấu Nhật
- Y học 360
- 23:21 - 02/04/2017
Thịt lợn thối thành đặc sản, cà phê từ đậu nành
Câu chuyện biến thịt lợn thối thành đặc sản thịt hun khói của một cơ sở tắm lợn, giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Trùng Khánh, Cao Bằng khiến nhiều người bàng hoàng.
Hơn 4 tấn thịt thối suýt trở thành món đặc sản
Nhiều người dân sinh sống trên địa bàn cho biết trên báo Tiền Phong; cơ sở này thu mua những xác lợn chết tím tái, bốc mùi vào và xả thịt ngay trên nền đất. Các phần thịt có thể dùng được họ tẩm một chất bột màu trắng rồi xả nước lã, ném trên nền đất để thịt bớt bốc mùi, rồi khênh từng súc lớn vào khu vực chế biến, hun khói.
Một thông tin cũng liên quan đến thịt lợn khiến nhiều người quan tâm là 76% thịt lợn ở Việt Nam được giết mổ từ cơ sở nhỏ lẻ kém vệ sinh. Theo báo Pháp luật TP.HCM, đây là kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, vừa được công bố trong báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam.
Số cà phê giả nghi làm từ đậu nành rang.
Thông tin sau sẽ khiến những tín đồ của cà phê chú ý. Báo Người Tiêu Dùng đưa tin, trong lúc tuần tra kiểm soát khu vực bến xe chợ Vinh ngày 28/3, lực lượng chức năng đã phát hiện trong thùng xe tải BKS 51C – 813.94 có 6 bao tải vải và 16 bao tải chứa hạt cà phê (trọng lượng 850 kg). Kết quả giám định cho thấy, chỉ có 200 kg là cà phê thật, còn lại đều là cà phê giả. Cơ quan công an nhận định, số cà phê giả trên có thể là đậu nành được rang cháy sau đó tẩm ướp các loại phụ gia, hương liệu.
Thời gian gần đây, nhiều vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm đã xảy ra. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc đều liên quan đến suất ăn của công nhân chưa được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây, báo Người Lao Động đã công bố một điều tra tại một cơ sở chuyên chế biến và cung cấp suất ăn công nghiệp cho một số công ty trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương. Theo đó, thịt thối, cá ươn, rau củ quả héo úa, không rõ nguồn gốc… đều được cơ sở này dùng để chế biến một cách sơ sài thành suất ăn công nghiệp cung cấp cho công nhân.
Một thông tin cũng khiến các bà nội trợ lưu tâm là từ 23/3, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có hại cho sức khỏe. Đáng chú ý, Brazil là nước sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất thế giới.
Một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực của người Việt là món bánh trôi, bánh chay. Tết Hàn thực năm nay, các tiểu thương bán bánh trôi, bánh chay lại có dịp “cháy hàng”.
Dòng người xếp hàng dài chờ mua bánh trôi, chay.Ngoài bánh trôi, bánh chay chín thì bột nếp cũng là mặt hàng bán chạy. Nhiều sạp bột bánh trôi, bánh chay bán ra cả nửa tạ bột. Bên cạnh loại bột nếp truyền thống, năm nay, nhiều người bán thêm cả bột màu sắc. Một số cửa hàng còn bán loại bột nếp Nhật Bản có giá lên tới 150.000 đồng/kg. Có cửa hàng bán bột nếp ở Hà Nội chỉ trong 1 buổi sáng đã thu được 2 triệu tiền lời.
Mặt hàng cũng gây sốt trong tuần qua là dưa hấu Nhật. Mặc dù dưa hấu Nhật được bán với mức giá siêu đắt, từ 420.000-430.000 đồng/kg, chúng vẫn được các khách hàng đặt mua khá nhiều, có lúc không có hàng để bán. Thậm chí, chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, toàn bộ 10 thùng (40 quả) dưa hấu Nhật được nhập về đã bán sạch trong vòng 1 buổi sáng.
Không chỉ có dưa hấu, các mặt hàng như thịt lợn, cà chua, dưa hấu, chuối, vú sữa,... đang rớt giá thê thảm khiến người dân lao đao, thua lỗ nặng. Nguyên nhân được cho là do Trung Quốc hạn chế nhập, trong khi người dân đua nhau mở rộng diện tích, tăng đàn khiến nhiều loại nông sản Việt “vỡ trận”.
Trong tuần qua, thông tin về món mỳ cay cũng khiến nhiều tín đồ của món ăn Hàn Quốc này chú ý.
Theo báo Vietnam+, sau một thời gian “làm mưa, làm gió” trên thị trường Hà Nội, cơn sốt mỳ cay nhiều cấp độ đang xẹp dần. Nhiều bạn trẻ cho biết, đã không còn quá “cuồng” ăn mỳ cay như trước nữa. Không khí ồn ào, chen chúc tại các quán mỳ cay ở thời điểm cuối năm ngoái đã nhanh chóng qua đi. Kể cả những quán nổi tiếng vốn rất đông khách thì nay cũng đã “thoáng” hơn rất nhiều.
Trong tuần qua, một thông tin được rất nhiều độc giả quan tâm là cây sưa 200 năm tuổi từng được đồn đoán với giá 50 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ bán được 26 tỷ ở đình làng Đông Cốc (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được chặt hạ. Được biết, ngoài cây sưa 200 tuổi vừa được bán, đình làng Đông Cốc còn có một cây sưa 400 tuổi và rất nhiều cây sưa lớn nhỏ khác. Giá trị thương phẩm của gỗ sưa đỏ luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhiều đại gia sẵn sàng trả tiền tỷ để được sở hữu cây gỗ sưa, loại cây "đắt hơn vàng". |