THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

An sinh xã hội: “Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế- xã hội năm 2018

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch sớm

Năm 2018, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt trên các lĩnh vực của ngành; nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Điểm lại kết quả của năm 2018, có thể thấy rõ sự chuyển động mạnh mẽ từ thể chế đến các lĩnh vực cụ thể của ngành.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu bên hành lang Quốc hội


Về công tác xây dựng thể chế, năm 2018 hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tiếp tục được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu và soạn thảo trình Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hànhTrung ương khóa XII thảo luận, ban hành Nghị quyết số 27/NQ-TƯ về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28/NQ-TƯ về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

 Nghị quyết 27/NQ-TƯ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ, nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương. Nghị quyết 28/NQ-TƯ đề ra mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đây là hai Nghị quyết có tính đột phá mạnh về tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần cải thiện đời sống và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động

Đi vào các các lĩnh vực cụ thể, năm 2018 được coi là một năm thành công của giáo dục nghề nghiệp khi lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ tiêu về đào tạo nghề đã vượt 100% kế hoạch đề ra từ rất sớm. Được chọn là năm “Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp” với nhiều giải pháp đột phá, đổi mới mạnh mẽ, ngay từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng và phát hành ứng dụng chọn nghề - chọn trường trên điện thoại di động nhằm hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh và hỗ trợ HSSV, người học nghề, có thêm một kênh thông tin tổng hợp, tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề đào tạo, chọn trường. Định hướng học nghề, lập nghiệp trong xã hội có chuyển biến rõ nét. Công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt kế hoạch sớm so với nhiều năm trước đây.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm người có công tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ngãi


"Lĩnh vực giảm nghèo- một trong những “điểm sáng” về kinh tế xã hội trong năm qua cần được nhìn nhận một cách khách quan, đây là một là cuộc chiến đấu rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt và đạt được chỉ tiêu này là sự nỗ lực rất lớn. Mặc dù chưa thể hài lòng nhưng nhưng tỷ lệ giảm nghèo mà chúng ta đạt được là thành quả rất đáng kể nếu nhìn lại con số năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo đến 60% nhưng đến giờ chỉ còn dưới 6%. Và quan trọng hơn là mức độ thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội đối với người dân nhất là những người yếu thế, nếu so với một số quốc gia khác, thậm chí một số nước phát triển hơn thì thấy rõ ràng chúng ta có sự thành công rất lớn" (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung)

Công tác giảm nghèo trong năm qua tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện. Báo cáo trước Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tháng 10/2018,  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 đã được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, nhà nước, giám sát chặt chẽ của Quốc hội sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ, chênh lệch giàu nghèo giảm, nhiều chỉ tiêu, nội dung Nghị quyết đạt và vượt. Cụ thể: Giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5 %/ năm. Đã có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo ra khỏi chương trình, 21/ 2139 xã 135 hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Tính cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%, trong đó riêng ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%, giảm 5% so với cuối năm 2017.

Về xuất khẩu lao động, ước tính xuất khẩu lao động năm 2018 đạt khoảng hơn 140 nghìn người, tiếp tục lập kỷ lục mới. Về chất lượng, phần lớn lao động đều làm việc tại các thị trường có thu nhập khá cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (chiếm 95%). Đặc biệt tại Nhật Bản với trên 60.000 người trong năm 2018, đây là thị trường đòi hỏi lao động phải trải qua quá trình đào tạo, đảm bảo kỹ năng tiếng và tay nghề trước khi xuất cảnh. Bên cạnh việc giữ vững các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, Bộ LĐ-TB&XH đã xúc tiến nghiên cứu mở rộng việc đưa lao động sang làm việc ở các thị trường phát triển tại các quốc gia Australia, Đông Âu…Cuối tháng 11, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại châu Âu. Đoàn đã tiến hành hội đàm và ký kết các văn kiện hợp tác về lao động và an sinh xã hội với Bộ Lao động và Chính sách xã hội Cộng hòa Bungaria và Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani. Việc ký kết hợp tác này mở ra triển vọng hợp tác toàn diện các lĩnh vực lao động, an sinh xã hội, trong đó có việc hợp tác trong năm 2019 và các năm tiếp theo đưa lao động Việt Nam có kỹ năng, tay nghề, sang làm việc tại hai quốc gia Đông Âu.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani ký kết văn kiện hợp tác về lao động và an sinh xã hội


Về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chú trọng tập trung cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Kết quả, Bộ đã đề xuất  và cắt giảm 36 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 34 điều kiện, loại bỏ 5 điều kiện trên tổng số 112 điều kiện kinh doanh của 9 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ 65,42 %, vượt so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra (là 50%).

Trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dữ liệu liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh viêc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công trong các cuộc chiến tranh giải phóng, là việc quyết liệt đấu tranh với việc gian lận hồ sơ thương binh giả tại một số địa phương…

Tư lệnh ngành- Người “đứng mũi chịu sào”

Những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2018 đã góp phần thêm vào những gam sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của cả nước. Và trong những chuyển biến mạnh mẽ của ngành,  không thể không nhắc đến vai trò nổi bật của người “đứng mũi chịu sào”- tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung….

“Điều mà chúng ta quan tâm là đào tạo bằng cấp, đào tạo có năng lực có chuyên môn và đào tạo để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó mới là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo thất nghiệp lại rơi vào lao động chất lượng cao là nhiều hơn, bậc đại học và cao đẳng rất nhiều. Điều đó cho thấy, người ta bắt đầu nghĩ đến câu chuyện đào tạo để có việc làm, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống chứ không nghĩ đến chạy theo bằng cấp và học vị nữa. Tôi cho đó là một chuyển biến rất tích cực. Năm nay, ngành lao động có một thành tựu rất lớn, đó là  lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo nghề vượt chỉ tiêu trên 100%. có thể khẳng định năm 2018  là một năm thành công của đào tạo nghề” (Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi)

Ngay từ khi nhận trách nhiệm trước  Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự gắn kết với thị trường và chúng ta đang thiếu một chiến lược phát triển nguồn nhân lực, và dự báo cung cầu lao động, nhất là chuyển dịch lao động và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Xác định việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng lao động chính là  "chìa khóa" làm chủ cách mạng 4.0, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đã quyết liệt chỉ đạo sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để đào tạo theo đơn đặt hàng. Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu, “các trường phải tiên phong trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi tư duy hoạt động, đổi mới theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, chuẩn hóa và gắn với công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin”... Những giải pháp đó đã mang lại những kết quả bước đầu ngay từ năm 2017. Và đến năm 2018, chưa bao giờ công tác tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại vượt quá 100% thì năm nay lần đầu tiên  chúng ta đã đạt được mục tiêu đó và vượt mục tiêu đặt ra. Kết quả này rất quan trọng bởi đó không đơn thuần chỉ là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn là tiền đề để chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chững chạc và có hiệu quả.

Đối với việc xử lý các tồn đọng trong chính sách ưu đãi người có công cũng như giải quyết các đơn thư khiếu nại, tồn đọng về mặt chính sách, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH dường như luôn mang trong mình những day dứt, trăn trở về những “món nợ với  dân”. Không chỉ gặp gỡ, làm việc với địa phương, ông còn trực tiếp còn  nhiều thân nhân gia đình người có công, lắng nghe tâm nguyện của họ để từ đó, xử lý dứt điểm các cuộc khiếu kiện  kéo dài của những trường hợp mà thân nhân đủ điều kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa được công nhận. Những đơn thư gửi đến cũng được  chính Bộ trưởng trực tiếp đọc và chỉ đạo giải quyết đến cùng. Nhờ vậy, chính sách người có công từ chỗ rất nhiều vấn đề đã giảm hẳn xuống và niềm tin của người dân đã được nâng lên, tạo ra sự đồng thuận rất lớn của toàn xã hội.. Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng chính sách, đảm bảo nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn cho biết, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội và người có công.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn


Hay trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, một “điểm nghẽn” đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo rất quyết liệt trong năm 2018. Còn nhớ, cuối năm 2017, trước tình trạng ì ạch của công cuộc cải cách hành chính của ngành, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đã phải thốt lên “Với tiềm năng con người thế này. Quyết tâm chính trị có thừa. Cơ sở vật chất, phương tiện cho phép. Tại sao chúng ta không làm được?”. Rồi sau đó, chính ông đã quyết liệt chỉ đạo “Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018. Năm 2018, phải đặt ra chỉ tiêu tối thiểu đạt được bao nhiêu? Giao chỉ tiêu cho từng địa phương, từng cục, vụ, từng đơn vị, nếu không thực hiện được nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với CNTT thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.

Quyết tâm đó đã được tư lệnh ngành LĐ-TB&XH “truyền lửa” xuống tất cả các đơn vị trực thuộc. Dù quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn như chính Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận ông đã phải đấu tranh quyết liệt với chính các đơn vị trực thuộc để giảm được hơn 65% thủ tục điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ…Thế nhưng, với sự quyết tâm thực hiện mục tiêu mà ông đặt ra từ cuối năm 2017 là “dứt khoát phải có sự chuyển động để tạo ra hiệu quả nhất định, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn” thì năm 2018, công cuộc cải cách hành chính của ngành đã có những bước chuyển biến thực sự mạnh mẽ, góp phần tác động rất lớn giúp cho các nhiệm vụ của ngành được thúc đẩy, tạo cho ngành chuyển động một cách thực chất, bền vững và hiệu quả.

Có thể thấy, chính sự quyết liệt trong điều hành của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã mang lại sự chuyển động mạnh mẽ cho toàn ngành. Tại Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH là một trong sáu Bộ, ngành được đánh giá cao về chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là một trong một số tư lệnh ngành được cử tri khen ngợi, đánh giá cao khi đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều.

Quyết liệt, sâu sát, đi đến tận cùng vấn đề- rất nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận định như vậy về cách điều hành công việc của Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua cho thấy, trong số các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nằm trong top những Bộ trưởng nhận được sự tín nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 92,17% phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao (trong đó 53,2% tín nhiệm cao, 38,97% tín nhiệm). Đó là sự ghi nhận của cử tri, của Quốc hội cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH. Hẳn là ông vui, nhưng có lẽ chính những bức thư cảm ơn của các bậc lão thành, thân nhân các gia đình liệt sĩ đã được giải quyết chế độ sau bao nhiêu năm đằng đẵng chờ đợi- những lời cảm ơn ấy mới chính là những món quà vô giá, không gì sánh được dành cho cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng như những người đang công tác trong ngành LĐ-TB&XH…

Bài: CHÂU GIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh