THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:08

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ hàng loạt tin vui về an sinh xã hội

3 chỉ tiêu ngành LĐ-TB&XH được giao thường trực đều hoàn thành

Điểm lại những kết quả nổi bật mà ngành LĐ-TB&XH đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018, chúng ta đã từng bước cơ cấu lại thị trường lao động; tăng cường các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường các nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu lao động trên thị trường. Chính vì vậy, chất lượng việc làm của nước ta năm 2018 nâng dần lên và được cải thiện. Lao động việc làm trong khu vực phi chính thức được chuyển sang chính thức nhanh hơn, đưa tỷ lệ lao động hưởng lương trên tổng số việc làm là 43,25%.  

Thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp giảm đi rất rõ rệt, trong năm đã tạo việc làm cho 1,64 triệu người, 140 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Và điều đáng mừng là nếu như cùng kỳ năm 2017, hơn 200 nghìn thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp thì năm nay con số này giảm xuống tới 50%. Rõ ràng đã có sự phát triển và sự chuyển hướng hiệu quả hơn.

“Trong 3 chỉ tiêu mà ngành LĐ-TB&XH được giao thường trực thì với chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35% như vậy chúng ta hoàn toàn có thể đạt mục tiêu thiên niên kỷ sớm hơn. Chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo và giảm tỷ lệ thất nghiệp nhất là người thất nghiệp có trình độ cao cũng đạt kết quả tốt. Ba chỉ tiêu này đã góp phần để chúng ta hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu, đây là điều rất phấn khởi” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2019 toàn ngành sẽ tiếp tục chọn 3 vấn đề trọng tâm gồm: Xây dựng thể chế mà trọng tâm là hoàn thiện và trình Bộ Luật lao động, Sửa đổi Pháp lệnh Người có công; Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh hơn.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm người có công tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ngãi

 

Chăm lo Tết cho người dân, nhất là người nghèo, người có công

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn hóa xã hội theo hướng phát triển toàn diện hài hòa các lĩnh vực văn hóa xã hôi, an sinh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các chính sách về giảm nghèo, khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động vươn lên, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các cơ hội để sản xuất kinh doanh; nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, tổng kết tích hợp các cơ chế chính sách hiện nay đang có để đảm bảo công tác giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi khắc phục được tình trạng phân tán, dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả. Đồng thời quan tâm giải quyết 4 vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc miền núi, đó là thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và sinh kế trong đó cần quan tâm đến vấn đề dạy nghề.

“Chúng tôi cũng đề nghị phải đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát triển nhân lực chất lượng cao. Đây chính là giải pháp nền tảng để nâng cao năng suất lao động. Một trong những lý do khiến năng suất lao động nước ta còn thấp là bởi tỷ lệ lao động trong nông nghiệp quá lớn. Do vậy, chúng ta phải tập trung để giải quyết vấn đề này làm sao để khắc phục việc mất cân đối cung cầu lao động trong từng ngành và trong một số lĩnh vực” - Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nói.  

Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương cần quan tâm đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, vấn đề tín dụng đen hiện đang diễn biến phức tạp, len lỏi đến từng ngõ xóm, bản làng và gần đây tấn công rất quyết liệt vào các khu công nhân và người lao động, gây ra rất nhiều hệ lụy. Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc xử lý nghiêm cũng cần quan tâm giải quyết nhu cầu vốn cho người nghèo, một nhu cầu có thật và chính đáng của những người không có khả năng kinh tế đang phải lo vay nóng để lo cho cuộc sống.

Thứ hai, cần quản lý chặt chẽ sự gia tăng của tình trạng tàng trữ, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng ma túy và chú ý công tác quản lý người nghiện. Hiện nay theo con số thống kê là 240 nghìn người nghiện nhưng thực tế còn cao hơn nhiều. Nếu như không quản lý tốt thì sẽ gây một hệ lụy rất nguy hiểm. “Chính phủ đã có Nghị quyết về vấn đề này, chúng tôi đề nghị các địa phương cần quan tâm” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2019, theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cùng  các địa phương sẽ rà soát 350 ngàn hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến hưởng các chính sách chất độc hóa học. “Chúng tôi đề nghị, về cách làm thì địa phương sẽ chủ động rà soát trước rồi Bộ sẽ tiến hành thẩm định chứ không làm tràn lan, tạo ra hiệu ứng xã hội không tốt… Đồng thời quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng và cũng đã thống nhất với Bộ Giáo dục là năm 2019 sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở nuôi dạy trẻ em nhất là trong các trường tư thục, các cơ sở tôn giáo để đảm bảo các giải pháp có tính chất phòng ngừa nhiều hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Ngoài ra, năm 2019, theo lộ trình, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Bộ Luật lao động, đây là vấn đề liên quan rất lớn đến người dân, một số vấn đề rất nhạy cảm như tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, nhà nước sẽ không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, vấn đề hình thành các tổ chức lao động bên cạnh tổ chức công đoàn… đây là những vấn đề nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng gây mất ổn định chính trị xã hội nhất là các tỉnh có đông công nhân trong các doanh nghiệp FDI. Bộ trưởng đề nghị các địa phương cùng các Bộ, ngành liên quan cần lưu tâm đến vấn đề này.

“Điều cuối cùng tôi muốn đề cập là Tết nguyên đán sắp đến rồi, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm chăm lo cho người dân, nhất là người nghèo, người có công đón một cái tết an vui, lành mạnh” - Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH  nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh