THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:34

An Lão (Bình Định): Cơ chế hỗ trợ thoát nghèo bền vững

 

Ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão cho biết, qua 9 năm, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ hơn 343 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện; trong đó, đầu tư phát triển gần 272 tỷ đồng, hỗ trợ sự nghiệp hơn 71 tỷ đồng.

Kinh phí lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chính sách trên địa bàn huyện hơn 249 tỷ đồng, gồm: Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;  Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng về đầu tư cơ sở hạ tầng xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, chính sách định canh, định cư. Các chương trình khác như: Trồng mới 5 triệu ha rừng và bảo vệ và phát triển rừng; nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, văn hóa - giáo dục, nông thôn mới. Các chính sách an sinh xã hội gồm: Hỗ trợ tiền trợ cấp khó khăn, tiền điện, miễn giảm học phí.

 Cùng với ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư hỗ trợ gần 97,5 tỷ đồng. Trong đó: Đầu tư phát triển hơn 92 tỷ đồng và vốn hỗ trợ sự nghiệp gần 5,5 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đã hỗ trợ Chương trình an sinh xã hội vì người nghèo tại huyện An Lão gần 32,3 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ 32 tỷ đồng và nguồn vốn huy động khác. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục và hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo như: Xây dựng, nâng cấp 8 trạm y tế, 8 trường học và hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo với kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng.

 

Một góc Làng văn hóa tiêu biểu thôn 1, xã An Nghĩa, huyện An Lão.

 

Ông Mười cho biết, các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Nhất là chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất, đã có 2.141 hộ nhận khoán với hơn 21.000ha rừng. Người dân đã được hưởng lợi từ việc giáo khoán. Ngoài ra, việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi được nhân dân chăm sóc một số giống đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Đã có 190 người đi xuất khẩu lao động, đa số có việc làm và thu nhập ổn định, trả được nợ ngân hàng và có tích lũy.

Các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đảm bảo chất lượng, mang kết quả đáng kể như: Đường bê tông thông suốt đến các thôn bản, làm cho việc giao thương hàng hóa thuận lợi hơn. Bà con nhân dân không phải đi tới suối để lấy nước sinh hoạt. Đất và diện tích canh tác lúa nước đã được tưới tiêu đảm bảo (từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ). Các khu dân cư và bản làng đã có điện lưới quốc gia để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến giảm đáng kể; các điểm trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp tại các điểm làng tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường đúng độ tuổi, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng.

Kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện qua 5 năm (2011 - 2015), hộ nghèo còn 3.544 hộ, tỷ lệ 43,17%; 1.400 hộ cận nghèo, tỷ lệ còn 17,05%. Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện là 4%, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo Nghị quyết 30a. Đến cuối năm 2016, thực hiện điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn huyện có 5.002 hộ, chiếm tỷ lệ 59,9%.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam, qua 9 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30, nhìn chung huyện An Lão đã đạt được một số mặt tích cực như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt được theo Nghị quyết 30a. Cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm. Đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập, thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, đã tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn, đời sống nhân dân cả về tinh thần và vật chất đã được cải thiện, thu nhập người dân trên địa bàn huyện đã được tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn cao, gây khó khăn cho các địa phương trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Tư tưởng không muốn ra khỏi danh sách xã ĐBKK, hộ nghèo còn nặng trong một bộ phận nhân dân và cán bộ cấp cơ sở.  

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh