An Giang: Không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng
- Dược liệu
- 13:58 - 23/03/2021
Thời gian qua, với việc đầu tư có trọng điểm cho những hộ có khả năng thoát nghèo, An Giang đã giúp các hộ nghèo đủ điều kiện vươn lên để thoát nghèo bền vững hơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn kinh phí vốn vay ưu đãi của Chương trình góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể, năm 2020, An Giang đã giải ngân cho gần 30.000 hộ vay, với số tiền trên 900 tỷ đồng; trong đó có gần 2.400 hộ nghèo, gần 7.300 hộ cận nghèo và gần 3.900 hộ mới thoát nghèo. An Giang cũng thực hiện hỗ trợ và cấp gần 730 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, trẻ em dưới 6 tuổi… với kinh phí gần 630 tỷ đồng.
Đầu năm 2020 toàn tỉnh An Giang có 14.170 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, đến cuối năm 2020 số hộ nghèo giảm còn 10.232 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90%.
Trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đầu năm 2020 toàn tỉnh có hơn 3.300 hộ, chiếm tỷ lệ 12,21%/tổng số hộ dân tộc thiểu số, đến cuối năm giảm 3,23% còn hơn 2.400 hộ, chiếm tỷ lệ 8,98%/tổng số hộ dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo là 26.655 hộ, chiếm tỷ lệ 4,94%, giảm 0,51% so với đầu năm và đạt kế hoạch đề ra.
Trong năm 2020 toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 30.353 người, đạt tỷ lệ 121,4% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân được nâng lên, từ 53,3% năm 2016 lên 65% năm 2020.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và được nhân dân phấn khởi đón nhận và tham gia ủng hộ góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Qua đó, nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến mạnh và đã ý thức được việc phải vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu. Trong đó, nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp đã có tác động hỗ trợ mạnh mẽ giúp nhiều hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo.
Thời gian tới, An Giang tập trung nguồn lực cho các mục tiêu giảm nghèo như: hỗ trợ hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm... tạo mọi điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường đối thoại với người nghèo để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, từ đó có kế hoạch giúp họ làm ăn nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.