An Giang: Đồng bào Khmer giúp nhau xóa nghèo
- Dược liệu
- 18:44 - 18/04/2017
Một trong những công tác thường xuyên, mà các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thông qua đó, nỗ lực đầu tư cho vay vốn ưu đãi để các hộ nghèo, nhất là hộ phụ nữ nghèo khôi phục các ngành nghề truyền thống như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan đát, nghề làm gốm.
Hướng dẫn họ tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh buôn bán nhỏ có hiệu quả, nhằm giúp họ áp dụng để phát triển kinh tế gia đình.
Tiêu biểu về những cách thức hoạt động kể trên là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện Tri Tôn, một huyện miền núi tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống.
Tại địa phương này, các mô hình làm ăn có hiệu quả, đều được nhân rộng, tuyên truyền cho các hộ Khmer nghèo làm theo.
Đó là hai mô hình cung cấp vốn cho hội viên đầu tư buôn bán nhỏ và phát triển nghề làm bếp lò truyền thống ở hai xã Lê Thi và Châu Lăng.
Nhờ đó, đến nay cả hai xã đã có nhiều lao động nông thôn, chủ yếu là đồng bào Khmer có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn cũng đã mở lớp dạy nghề thắt bím lục bình, thu hút nhiều lao động là phụ nữ ở nhiều dộ tuổi khác nhau tham gia học, nay có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Đặc biệt, “Qũy hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, đã hỗ trợ cho rất nhiều hộ Khmer nghèo vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ đem lại hiệu quả.
Từ năm 2012, đã có hàng trăm lượt hộ đồng bào dân tộc Khmer ở các xã Ô Lâm, Châu Lăng (Tri Tôn), An Hào, Văn Giáo (Tịnh Biên) được vay với tổng số tiền hàng tỷ đồng.
Nhờ được hỗ trợ vốn đề phát triển nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Khmer ở huyện Tri Tôn mà nhiều lao động Khmer trong vùng có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên xóa nghèo
Nhờ vậy, ngày nay nhiều hộ Khmer ở địa phương trở nên khá giả, số hộ nghèo giảm và bà con ngày càng tin tưởng vào các cấp chính quyền.
Điển hình là chị Neang Sa Na ở ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, đã thực sự đổi đời từ nghề gốm và làm nồi đất truyền thống của địa phương.
Nhờ được vay vốn, chịu khó học hỏi, đầu tư nghiên cứu thay đổi kiểu dáng sản phẩm để phù hợp thị hiếu người mua, nên sản phẩm của cơ sở chị Neang Sa Na làm ra tiêu thụ mạnh, giá bán tăng gấp 10 lần so với sản phẩm theo mẫu mã truyền thống cũ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều chị em trong ấp.
Chị Neamg Kim Lương, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt Văn Giáo (Tịnh Biên) chia sẻ, năm 1999 qua Hội Phụ nữ tỉnh An Giang, tổ chức CARE (Đan Mạch) ở TP.HCM đã hỗ trợ ban đầu cho 36 chị em Khmer đầu tư khôi phục nghề dệt lụa Srây – Skoth truyền thống ở Văn Giáo.
Tất cả các thợ giỏi lành nghề được đi học tập kinh nghiệm về cách nhuộm tơ, pha màu kết hợp giữa truyền thống và kỹ thuật hiện đại, nên sản phẩm lụa Srây – Skoth làm ra ngày càng đẹp, bền.
Từ đó sản phẩm lụa Srây – Skoth Văn Giáo thực sự hồi sinh, có mặt trên thị trường nội địa và Cămpuchia được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhiều khách hàng người Cămpuchia hết sức bất ngờ, vì chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở Cămpuchia.
Hiện nay, Hợp tác xã Dệt Văn Giáo đã có gần 130 xã viên là những người thợ dệt có tay nghề cao, được chia làm 5 tổ sản xuất, với mức thu nhập bình quân hàng triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm lụa Srây – Skoth ngày càng đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị trường nên không chỉ thu hút khách hàng Cămpuchia, mà du khách châu Âu, Nhật Bản cũng rất thích thú khi được sở hữu vài đồ lưu niệm được làm từ lụa Srây – Skoth Văn Giáo.
Lãnh đạo UBND huyện Tịnh Biên cho biết, nghề dệt lụa Srây – Skoth Khmer Văn Giáo được khôi phục đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 300 chị em phụ nữ ở trong vùng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo ở địa phương.