An Giang chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động tại địa phương
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:49 - 07/07/2022
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển đồng bộ, cơ cấu hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn trường chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật, tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phổ cập nghề, đào tạo thường xuyên cho người lao động.
Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt tốp khá so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật,...
Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh An Giang sẽ tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 20.000 người (số lao động nữ được học nghề nghiệp chiếm ít nhất 41,5%), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%.
Đến năm 2025, mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 15.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng khoảng 1.500 sinh viên, chiếm khoảng 10%; trình độ trung cấp khoảng 1.800 học sinh, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số tuyển sinh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5% vào năm 2025.
Giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 12.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng khoảng 1.800 sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 15%; trình độ trung cấp khoảng 2.160 học sinh, chiếm tỷ lệ khoảng 18% trong tổng số tuyển sinh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 39% vào năm 2030.
Phấn đấu 1 trường cao đẳng tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo cơ chế tự chủ tài chính; 1 trường trung cấp đạt chuẩn trường chất lượng cao.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trước hết là chú trọng hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động,…