An Giang bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa Óc Eo
- Văn hóa - Giải trí
- 21:35 - 21/09/2021
Giá trị nền văn minh Óc Eo
Theo PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Óc Eo là tên gọi của một nền văn hóa khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Đồng bằng Nam Bộ, nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam cách đây 2.000 năm. Theo tên gọi, gò Óc Eo-vùng gò đất lẫn đá nổi lên trên một cánh đồng phía nam núi Ba Thê, ngày nay thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Kể từ sau năm 1975 đến nay, nhiều hoạt động nghiên cứu được giới khảo cổ học Việt Nam triển khai liên quan đến văn hóa Óc Eo, đã góp phần đem lại những nhận thức mới, ngày càng đầy đủ hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ từng khai phá vùng đất này trong quá khứ. Đây là dấu tích của một nền văn minh lớn và rực rỡ, được phát hiện ở nhiều nơi, với không gian phân bố rộng lớn, bao gồm vùng châu thổ sông Mê Công ở khu vực Nam Bộ. Trong địa bàn rộng lớn mà nền văn hóa Óc Eo lan tỏa, hai vị trí được xác định rất quan trọng. Đó là Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang), một đô thị hoặc cảng thị, một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của văn hóa Óc Eo - Phù Nam và Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) được xem như một "tiền cảng" quan trọng, là nơi xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa cho đô thị cổ Óc Eo, các thị tứ thời bấy giờ trong vùng tứ giác Long Xuyên.
PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, khu di tích Óc Eo - Ba Thê là minh chứng vật chất về sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là không gian văn hóa đã và đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên con đường gặp gỡ, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các nền văn hóa lớn trên thế giới (phương Đông và phương Tây). Bên cạnh đó, Văn hóa Óc Eo còn là gạch nối giữa hai nền văn minh phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại là Trung Hoa và Ấn Độ.
An Giang đầu tư hàng trăm tỷ đồng bảo tồn Khu di tích văn hóa Óc Eo
Theo PGS, TS Bùi Minh Trí, Khu di tích Óc Eo-Ba Thê tương tự nhiều khu di tích dưới lòng đất khác của Việt Nam, đó là nguy cơ biến mất và rất ít tư liệu, hiện vật còn nguyên vẹn để có thể thuận lợi cho công tác bảo tồn, phục dựng. Vật chất còn lại hầu hết là các mảnh vỡ.
Để giải mã di tích Óc Eo-Ba Thê, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã triển khai các dự án khai quật khảo cổ, sưu tầm… Công việc nghiên cứu thuận lợi tính từ năm 2012, sau khi Khu di tích Óc Eo-Ba Thê được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến nay, tỉnh An Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho Khu di tích văn hóa Óc Eo như: Phối hợp với các cơ quan khoa học trong nước, quốc tế tổ chức nhiều cuộc khai quật, thám sát di tích và hội thảo, tọa đàm liên quan về văn hóa Óc Eo; xây dựng hệ thống giao thông nối liền các di tích, đồ án quy hoạch… Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức và sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị của nền văn hóa Óc Eo. Đến nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 5.000 hiện vật văn hóa Óc Eo các loại do nhân dân trong, ngoài tỉnh An Giang tự nguyện hiến tặng để trưng bày, giới thiệu...
Xứng danh Di sản văn hóa thế giới
Với việc công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê theo tinh thần Quyết định số 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (tỉnh An Giang) giới thiệu đầu tháng 9 vừa qua, các nhà nghiên cứu cũng như người dân An Giang hy vọng quy trình đề cử Di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê sẽ thuận lợi và có kết quả như mong đợi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo. Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, khu vực đề cử di sản văn hóa thế giới với hồ sơ này sẽ gồm 3 khu vực là Khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang), Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp).
Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cũng khuyến nghị, quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu, bởi đây không chỉ là trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan mà còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với lịch sử. Ngoài ra, công cuộc khai quật nghiên cứu ở đây cần có sự hợp tác đồng bộ của nhiều cơ quan chuyên ngành, như: Khảo cổ học, trùng tu di tích, lịch sử-văn hóa, du lịch… như vậy mới có thể tính đường dài cho di sản trong việc bảo vệ, phát huy gắn với phát triển du lịch.