THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

An Giang: Ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017

 

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ năm 2009, trong những năm qua, An Giang đã dạy nghề và hỗ trợ chính sách cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn. Đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất, hộ tàn tật... Qua đó góp phần giải quyết việc làm, ổn định nâng cao đời sống cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.

         Dạy nghề cho phụ nữ ở nông thôn An Giang

Nhằm hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020 về đào tạo nghề lao động nông thôn là 65.000 lao động, tỉnh An Giang đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức xã và các tầng lớp lao động nông thôn về mục đích, yêu cầu, vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người lao động tạo việc làm, tăng thu nhập và năng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Cùng với đó là thực hiện ký hợp đồng dạy nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, tiếp tục ưu tiên và phát triển hình thức ký hợp đồng 3 bên có sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp. Có ít nhất 25% số lớp dạy nghề được ký hợp đồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đối với các hợp đồng đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Năm 2017, theo Kế hoạch, tỉnh sẽ đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 952 cán bộ, công chức cấp xã ở các lĩnh vực chuyên môn và quản lý nhà nước và  tổ chức khoảng 440 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên lao động nông thôn, phấn đấu tối thiểu có trên 80% số lao động sau khi học nghề có việc làm. Trong đó, sẽ tổ chức 200 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 550 người; 200 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 6.500 người. Đào tạo giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho 60 giáo viên; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 420 cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, cơ sở đào tạo nghề; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề.

         Lớp học nghề đan lát

Để đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, bảo đảm giữ mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa các thành viên Ban Chỉ đạo. Rà soát danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững.

LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh